Cuốn sách được chia làm 3 phần:
Phần 1: Miêu tả lễ hội của người Việt và lễ hội của các dân tộc thiểu số. Các lễ hội trong năm được xếp theo trình tự thời gian (mở hội) âm lịch, mở đầu từ tháng giêng, kết thúc vào tháng chạp. Riêng lễ hội của các dân tộc thiểu số, do đặc điểm riêng, nên xếp theo mùa (mùa theo thời tiết và mùa theo chu kỳ sản xuất).
Phần 2: Bao gồm các câu ca hội hè thường được trình diễn trong các lễ hội.
Phần 3: Miêu tả các trò diễn, trò chơi, cuộc thi tài trong các lễ hội.
Lễ hội truyền thống chính là dịp để con người giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và khát vọng cao đẹp; và còn là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, củng cố tinh thần cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về gốc gác của mình. Chính vì vậy mà lễ hội truyền thống bao giờ cũng có sức thu hút, mời gọi kỳ lạ đối với nhiều người, nhiều lớp người, lứa tuổi khác nhau.
Trên tinh thần hướng về cội nguồn, phát huy những truyền thống cao đẹp và đạo lý của dân tộc, cuốn sách 60 lễ hội truyền thống Việt Nam giới thiệu tới bạn đọc những lễ hội tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống lễ hội của đại gia đình dân tộc Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Cuốn sách như một cuốn từ điển cho những nhà nghiên cứu và những người thích đi du lịch khám phá những vùng đất, những tập tục văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam.