Bữa ăn: Chìa khóa tiềm ẩn tới hiểu biết Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ câu chuyện của nền văn hóa chúng ta và trình bày những nét đại cương về một hiểu biết mạnh mẽ hơn về thế giới. Chìa khóa tới hiểu biết này nằm ở chỗ lĩnh hội các hệ quả sâu rộng từ những sự lựa chọn thực phẩm và thế giới quan mà chúng vừa phản ánh lại vừa đòi hỏi. Thoạt trông, ít ai nghĩ đến một chìa khóa hiệu nghiệm như vậy lại có thể được tìm thấy nơi thực phẩm, một chốn vô vị nhất trong nền văn hóa, nhưng nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng những thái độ, niềm tin và tập quán xung quanh thực phẩm có ảnh hưởng sâu sắc tới thực trạng văn hóa chung của chúng ta. Còn có những hậu quả xã hội, tâm lý và tâm linh đáng kinh ngạc chưa được thừa nhận từ các bữa ăn lan tỏa khắp mọi khía cạnh của cuộc sống.
Thức ăn thật sự là mối liên hệ mật thiết và trọng yếu nhất của con người với cả trật tự thiên nhiên lẫn di sản văn hóa đời sống. Thông qua việc ăn thực vật và động vật trên Trái Đất này mà chúng ta hòa nhập với chúng, cũng chính qua hành động ăn uống này mà chúng ta thừa hưởng các giá trị và hệ thuyết của nền văn hóa ở cấp độ sâu xa và vô thức nhất. Khi là trẻ em, thông qua sự phơi nhiễm thường xuyên với các mô thức niềm tin phức tạp xoay quanh thông lệ tập thể được chuẩn bị công phu nhất - thọ dụng thực phẩm - mà chúng ta hấp thụ các giá trị và giả định văn hóa vô hình. Như tờ giấy trắng, chúng ta học tập, quan sát rồi tiếp biến văn hóa. Giờ đây khi đã trưởng thành, nhận thấy cuộc đời trĩu nặng với những âu lo và hàng loạt vấn đề nan giải do chính mình tạo nên, chúng ta biết khao khát hiểu được ngọn ngành tại sao chúng ta thất vọng vì không thể chung sống chan hòa trên Địa Cầu này. Khi nhìn nhận sâu sắc đầy đủ, chúng ta sẽ phát hiện ra một nhiễu lực nền tảng làm phát sinh các tình thế tiến thoái lưỡng nan và các cơn khủng hoảng, nó chẳng hề ẩn khuất mà lồ lộ ngay trên các đĩa ăn hằng ngày! Nó còn đang nằm đó, ở nơi chốn rõ ràng nhất mà ít ai ngờ tới: thực phẩm.
Mặc dù đang có những cuộc tranh luận gay gắt để quyết định chế độ ăn nào là tốt nhất cho sức khỏe và tuổi thọ, quyển sách này không phải chỉ nói về chế độ ăn theo nghĩa thông thường, nó khảo sát các hậu quả sâu sắc về văn hóa và tâm linh từ những sự lựa chọn thực phẩm và tư tưởng làm nền tảng cho chúng. Bằng cách đặt con người lên đỉnh chuỗi thức ăn của hành tinh, nền văn hóa chúng ta đã duy trì xuyên suốt lịch sử một thế giới quan đặc thù đòi hỏi các thành viên phải hạ thấp tình cảm và nhận thức thiết yếu - chính quá trình tê liệt cảm xúc này là điều chúng ta cần phải thông suốt nếu muốn lĩnh hội được những nguyên nhân nền tảng của tình trạng áp bức, bóc lột và xa lìa tâm linh. Ăn uống vì sức khỏe tâm linh và xã hội hòa hợp là chúng ta đang nhận ra những mối liên hệ cốt yếu nhất định mà các lề thói ẩm thực thường không muốn ai nhận thức về chúng. Sự thực hành này là tiền đề thiết yếu để tiến hóa lên một trạng thái ý thức mà có thể biến hòa bình và tự do thành hiện thực.
Chúng ta đang ở trong quá trình biến đổi văn hóa sâu sắc. Việc câu chuyện thần thoại cổ hủ làm nền tảng cho nền văn hóa chúng ta đang dần sụp đổ ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng các giả định cốt lõi của nó đã lỗi thời và nếu tiếp tục được áp dụng thì chúng không chỉ dẫn tới tình trạng tàn phá các hệ sinh thái chằng chịt và mỏng manh trên tinh cầu mà còn đưa con người đi đến chỗ phạm tội tự hủy diệt. Một giai thoại mới luôn đề cao hợp tác, tự do, hòa bình, sự sống và thống nhất đang nỗ lực vươn lên nhằm thay thế câu chuyện thần thoại cổ hủ vốn dựa trên tranh giành, tách biệt, loại trừ, chiến tranh và quan niệm cho rằng chân lý thuộc về kẻ mạnh. Thức ăn là chìa khóa then chốt cho thành công này bởi tập quán ẩm thực xác định tư tưởng và bữa ăn là huyết mạch để nền văn hóa tái sinh và truyền bá hệ giá trị của nó. Một giai thoại mới cùng nền tâm linh và ý thức tiến hóa hơn có thành công hay không thì điều đó còn tùy thuộc vào khả năng làm biến đổi trí hiểu biết và tập quán ẩm thực của chúng ta.
Thực hành liên hệ
Tình thế văn hóa cam go - hàng loạt vấn đề tưởng chừng nan giải đang bủa vây chúng ta như chiến tranh, khủng bố, diệt chủng, nạn đói, dịch bệnh bùng phát, môi trường xuống cấp, sự tuyệt chủng các giống loài, ngược đãi động vật, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa vật dục, nghiện ma túy, chia rẽ, căng thẳng, phân biệt chủng tộc, đàn áp phụ nữ, lạm dụng trẻ em, chiêu thức bóc lột của các tập đoàn, nạn nghèo đói, bất công và các tệ nạn xã hội khác - đều có gốc rễ từ một nguyên nhân cơ bản, rõ ràng đến mức nó vẫn còn hầu như hoàn toàn bị bỏ qua. Cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và cá nhân trong khi lại phớt lờ nguyên nhân cơ bản làm chúng nảy sinh là chúng ta đang điều trị các triệu chứng mà không giải quyết tận gốc căn bệnh. Những nỗ lực như vậy rốt cuộc chỉ đi đến thất bại mà thôi. Thay vì đó, chúng ta cần xây lên mạng lưới hiểu biết và nhận thức giúp mọi người nhìn thấy các mối liên hệ giữa sự lựa chọn thực phẩm với sức khỏe cá nhân và cả nền văn hóa, các hệ sinh thái trên hành tinh, tâm linh, tư tưởng, tín ngưỡng và chất lượng của các mối quan hệ. Khi thực hiện điều này và nương theo hiểu biết này, chúng ta sẽ góp phần làm tiến hóa một trải nghiệm chung hài hòa và phóng khoáng hơn về sự sống trên hành tinh tươi đẹp đang bị hiểu lầm này.
Tôi tin rằng cho đến khi chúng ta sẵn lòng, cũng như có khả năng nhìn thấy các mối liên hệ giữa thứ chúng ta đang ăn với những gì cần thực hiện để sản xuất ra nó thì chúng ta sẽ không thể thấy được những mối liên hệ mà cho phép mọi người sống hài hòa và sáng suốt hơn trên Trái Đất. Nếu không nhìn thấy các mối liên hệ, chúng ta sẽ ít hiểu biết, ít tự do, ít trí tuệ, ít yêu thương và ít hạnh phúc hơn. Công việc trọng đại nhất cho thế hệ chúng ta, sứ mệnh chung của chúng ta trên Địa Cầu này có lẽ là nhận ra các mối liên hệ cốt yếu mà hầu hết các bậc tiền nhân chưa từng nghĩ tới, rồi từ đó từng bước phát triển một xã hội loài người lành mạnh hơn để truyền lại cho mai sau. Nếu không nhìn thấy được mối liên hệ giữa các bữa ăn hằng ngày với tình thế văn hóa cam go thì chắc chắn loài người chúng ta khó có thể trường tồn trên Trái Đất. Do không chịu thừa nhận mối liên hệ cốt yếu này, chúng ta đã khiến cho bản thân mình và bao kẻ khác phải nếm chịu nỗi đau khổ tột cùng mà chẳng hề biết đến nguồn gốc.
Lời kêu gọi tiến hóa
Dầu 22 năm đầu đời tôi đã ăn những lượng lớn thực phẩm động vật điển hình trong nền văn hóa, nhưng tôi vẫn có khoảng 30 năm sau để khám phá về những mối liên hệ thú vị và các mối quan hệ nhân quả giữa thói quen sử dụng động vật với áp lực và những khó khăn chúng ta gây ra cho nhau và cho bản thân. Tôi đã phát hiện rằng bạo lực mà chúng ta gây ra từ đĩa ăn sẽ quay trở lại “gậy ông đập lưng ông” bằng nhiều cách đáng chú ý. Dầu vậy, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng cảm giác tội lỗi chung về sự ngược đãi động vật khiến cho việc nhìn thấy mối liên hệ căn bản này trở nên vô cùng khó khăn. Ăn thực phẩm động vật là nguyên nhân cơ bản của những tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng chúng ta sẽ trườn uốn theo bất kỳ lối nào để tránh phải đương đầu với nó. Đây là điểm mù tiêu biểu của chúng ta và là mảnh ghép thiết yếu cho nền hòa bình và tự do đúng nghĩa. Vì hành vi lạm dụng động vật mà chúng ta kế thừa từ nền văn hóa, vì cố ý phớt lờ sự lạm dụng này mà chúng ta lưỡng lự, không muốn nhìn thẳng vào bản chất sự phủ nhận hay luận bàn về các hậu quả từ bữa ăn rồi thay đổi hành vi để phản ánh những gì mình tri kiến. Tính lưỡng lự này lại được xã hội ủng hộ và tiếp tục được tăng cường.
Hành vi lúc nào cũng phản ánh nhận thức, và hành vi cũng xác định tầm nhận thức chúng ta có thể vươn lên. Lời kêu gọi chúng ta nghe thấy ngày nay là một lời kêu gọi tiến hóa thiết tha. Nó là một phần của bài ca rộng lớn mà mỗi người đều phải có đóng góp, hiện hữu trong từng tế bào, trong bản chất cốt yếu của vũ trụ. Suy cho cùng, nó là bài ca về hàn gắn, hân hoan và tỏ bày bởi tất cả chúng sanh đều là những biểu đạt của một vũ trụ đẹp đẽ và hiền từ. Nó cũng là bài ca về cảnh khổ đau và bạo hành tăm tối nhất xuất phát từ những lề thói thống trị, thương phẩm hóa và sát nhân hại vật được chấp nhận. Để có thể giam hãm và giết hại động vật, chúng ta đã phải đè nén lòng từ bi thiên bẩm, một điều đẩy lệch chúng ta khỏi trực giác để sa vào chủ nghĩa vật dục, bạo hành và xa lìa.
Bài ca về một giai thoại mới đang khát vọng vươn lên cần đến một tâm hồn thương yêu tỉnh táo để có thể lắng nghe và cảm nhận nỗi khổ mà chúng ta gây nên vì định hướng ẩm thực lỗi thời. Lòng trắc ẩn và nhân ái vốn có sẽ là ngọn đèn soi sáng đường đi để chúng ta đối mặt với những giả định thúc đẩy sự bạo hành được truyền bá. Dù được ban tặng nhiều mức độ độc quyền khác nhau tùy vào giống loài, chủng tộc, tầng lớp và giới tính, chúng ta đều phải chịu tổn thất khi bất kỳ một phạm trù nào trên đây bị phương hại; suy cho cùng, các nỗi đau khổ là hoàn toàn tương liên bởi chúng ta đều có mối liên hệ, và cái độc quyền được xã hội dựng lên cũng chỉ nhằm mục đích ngăn cách chúng ta khỏi chân lý liên thuộc này. Quyển sách này nhắm đến các độc giả thuộc mọi truyền thống tôn giáo cũng như những người không tự xem mình thuộc về bất kỳ truyền thống đặc thù nào. Giống như Nguyên Tắc Vàng vốn đề xướng một nguyên lý được mọi truyền thống tôn giáo trên thế giới xiển dương và nhiều người thuộc mọi nền văn hóa và trường phái chấp nhận bằng trực giác, những nguyên lý được trình bày trong cuốn sách mang tính phổ quát, tất cả mọi người - dù có theo một giáo phái nào hay không - đều có thể lĩnh hội và thực hành. Một tâm hồn rộng mở ôn hòa và sẵn lòng thừa nhận các mối liên hệ là hành trang để lĩnh hội được những nguyên lý này, để thấy rằng chúng không bao giờ mâu thuẫn, mà trái lại, luôn đáp ứng và làm sáng tỏ những giáo lý và khát vọng tâm linh của chúng ta.
Bài ca về sự tiến hóa và thức tỉnh tất yếu đang vẫy gọi. Việc thành tựu tầm hiểu biết thâm sâu cần có để viết nên bài ca này nằm ở chỗ khám phá ra các mối liên quan vốn từ lâu bị che đậy hay phớt lờ. Một cuộc hành trình là không thể thiếu, và đây là chuyến phiêu lưu khám phá đang còn chờ phía trước.