Chẳng phải ngẫu nhiên mà khi tham gia giao tiếp chúng ta phải suy tính, lựa chọn cách tự xưng như thế nào, gọi một người nào đó bằng cách này chứ không phải bằng cách khác, gọi bằng tên riêng hay chức danh, diễn đạt một hành động lời nói bằng biến thể sử dụng này, chứ không phải bằng biến thể sử dụng khác. Một trong những nhân tố chi phối đặc điểm vừa nêu, chính là quan hệ vai giao tiếp giữa người nói và người nghe trong cuộc thoại.
Khả năng ứng xử giữa các vai giao tiếp là một trong những nhân tố đóng vai trò chủ đạo có ảnh hưởng lớn đến phép lịch sự. Chính vai giao tiếp và mối quan hệ giữa chúng là một trong những tác nhân để đánh giá lời nói là lịch sự hay bất lịch sự.
Lịch sự và bất lịch sự tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong và ngoài ngôn ngữ, trong đó không thể không đề cập đến việc lựa chọn ngôn từ của chủ thể giao tiếp. Và để vươn tới được cái chuẩn “ăn nói mặn mà có duyên”, quả nhiên cần phải quan sát, học tập và cả rèn luyện công phu nữa.
Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu cuốn sách “LỊCH SỰ TRONG GIAO TIẾP TIẾNG VIỆT” của TS. Tạ Thị Thanh Tâm. Hy vọng độc giả sẽ tìm thấy nhiều điều lý thú và bổ ích từ những trang viết giàu chất trí tuệ của cuốn sách này.