Âm nhạc là một môn nghệ thuật, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nội dung âm nhạc cũng phản ánh hiện thực của cuộc sống một cách ước lệ và trừu tượng. Âm nhạc mô tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống và còn có thể thể hiện quan điểm sống, chuyển tải tư tưởng.
Vì vậy, âm nhạc là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, làm vơi đi những nỗi buồn, làm tăng thêm niềm vui, sự hào hứng, đưa con người về với những kỷ niệm đẹp ở dĩ vãng, tìm lại tuổi thơ yêu dấu, để lắng nghe con tim bồi hồi, xao xuyến với tình yêu thuở ban đầu, với tình yêu quê hương đất mẹ, với nắng ấm quê cha, sống dậy lòng tự hào dân tộc…
Ngay từ thời thượng cổ, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nguyên thủy. Kể từ đấy, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện theo thời gian. Có thể nói, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến con người.
Sở dĩ âm nhạc có được sức ảnh hưởng lớn bởi vì âm nhạc là một loại hình nghệ thuật có tính biểu hiện, bằng sự phối hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa ca từ, nhịp điệu, tiết tấu bản nhạc, âm nhạc đã tác động đến cảm xúc và tư tưởng của người nghe.
Âm nhạc còn tham gia và hỗ trợ trong các dịp lễ hội và giải trí cộng đồng, dùng làm phương tiện để nghỉ ngơi, giải trí, giáo dục tư tưởng con người.
Như vậy, âm nhạc có nhiều vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các vai trò ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, nhiều khi chúng hòa quyện vào nhau. Có thể nói, cuộc sống mà không có âm nhạc thì sẽ trở nên rất tẻ nhạt và trầm lắng.
Quyển sách Âm nhạc Trung Quốc của tác giả Cận Tiệp, do ThS. Trương Lệ Mai và Nguyễn Thị Trang dịch, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản giới thiệu cho người đọc những tư tưởng thẩm mỹ của âm nhạc Trung Quốc, và trong hơn một trăm trang sách đó, tác giả đã đưa người đọc trở về thời nguyên thủy để tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của âm nhạc Trung Quốc từ thời thượng cổ đến đương đại, đồng thời còn giới thiệu với người đọc những nhạc cụ độc đáo, những điệu nhạc ngộ nghĩnh của từng vùng miền. Đọc quyển sách Âm nhạc Trung Quốc, người đọc như được đắm mình trong những trào lưu âm nhạc mới, say đắm với những khúc nghệ đặc sắc của âm nhạc Trung Quốc.
Người dịch đã hết sức cố gắng chuyển ngữ sát ý với nguyên văn, để đem đến cho người đọc một bữa đại tiệc về kiến thức âm nhạc Trung Hoa, nhưng chắc chắn cũng sẽ có đôi chỗ chưa được mượt mà. Kính mong độc giả chỉ bảo thêm.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
TS. Trương Gia Quyền
Trưởng Bộ môn Thực hành tiếng Trung Quốc
khoa Ngữ văn Trung Quốc - Trường Đại học KHXH & NV
Đại học Quốc gia TP.HCM