Nho giáo là một hiện tượng văn hóa quốc tế xuất phát từ Trung Hoa, có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở đất nước ta, có những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc về nhiều mặt, đặc biệt là mặt văn hóa, trong đó chủ yếu là giáo dục và văn học. Vì vậy, để tìm hiểu những lĩnh vực này, ta không thể không có một số nhận thức và kiến thức nhất định về Nho giáo. Tuy nhiên, lịch sử Nho giáo ở tại chính bản thân Trung Quốc cũng đặt ra nhiều vấn đề, nhận được những sự đánh giá khác nhau qua các triều đại. Chẳng hạn từ những năm trước công nguyên, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, đã xảy ra sự biến “đốt sách, chôn học trò”. Đến khi Lưu Bang lật đổ nhà Tần lập nên triều đại mới, triều đại nhà Hán, chính Lưu Bang cũng từng có một cái nhìn hết sức khinh bạc đối với Nho giáo. Dẫu vậy, triều đại do Lưu Bang sáng nghiệp đã để lại một dấu ấn rất đậm với hệ tư tưởng này, đó là văn tự do triều đại này thiết chế đã trở thành phương tiện truyền tải chủ yếu của nó. Cho nên, ở nước ta, học chữ Hán tức là học Nho giáo. Điều này chứng tỏ Nho giáo có một sức sống kiên cường trong lịch sử. Thậm chí, trong thế kỷ vừa qua, với biết bao biến động long trời lở đất ở khắp thế giới, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam, một lần nữa Nho giáo lại được đem ra mổ xẻ.
Ở Trung Quốc, những người trí thức trẻ đối diện với tình trạng lạc hậu yếu kém của đất nước mình đã lớn tiếng đặt lại vai trò của Nho giáo. Nhất là, sau khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, nhận thức về Khổng Tử và Nho giáo càng trở nên hết sức tồi tệ, mà cao điểm là những năm xảy ra sự kiện Cách mạng văn hóa. Chính trong những năm này, Khổng Tử và Nho giáo bị lôi ra phê phán chỉ trích hết sức nghiêm khắc và kịch liệt. Trên bối cảnh đó, một số người bình tĩnh hơn đã tìm cách trình bày lại Khổng Tử và Nho giáo dưới một ánh sáng mới. Cừu Bái Nhiên là một trong những người ấy.
Ông đã viết quyển Nhân học tản mặc để một mặt minh oan cho Khổng Tử và Nho giáo, mặt khác đưa đến cho người đọc một số nhận thức mới về học thuyết của Khổng Tử, Mạnh Tử và các nhà Nho khác. Nhưng trên hết, ông viết quyển sách này nhằm để truyền đến cho những thế hệ người Trung Quốc trẻ ngày nay niềm tự hào về việc Trung Quốc sản sinh được một thiên tài kiệt xuất như Khổng Tử. Cho nên, khi đọc tác giả này, ta cần thông cảm với những nỗi niềm của ông khi viết về Khổng Tử và Nho giáo. Ngày nay, tại đất nước ta những cặp từ như trung hiếu, nhân nghĩa, cần kiệm, liêm chính, v.v. còn dùng hết sức rộng rãi trong ngôn ngữ hàng ngày của nhân dân và đương nhiên những cặp từ này đều mang một nội dung của truyền thống văn hóa dân tộc. Đọc sách này, ta có dịp để so sánh những nội dung như ta hiểu về những cặp từ này với những gì mà Khổng Tử và Nho giáo đã quy định cho chúng.
Do thế, tôi hoàn toàn hoan nghênh việc Nghiên cứu sinh Vũ Thị Ngọc Bích đã để công dịch tác phẩm này ra tiếng Việt và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản quyển sách này nhằm phục vụ cho độc giả chúng ta biết về Khổng Tử và Nho giáo, một trong những dòng chủ lưu của hệ tư tưởng Trung Quốc trong quá khứ.
Quý Đông năm Tân Mão,
GS. TS. Lê Mạnh Thát
Phó Viện trưởng
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM