Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh quy tụ hàng mấy chục nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và của Việt Nam để trình bày quá trình hiện đại hóa văn học của các nước Đông Á, so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nước, giới thiệu những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu cho văn học cận đại mỗi nước: Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính… của Việt Nam; Fukuzawa Yukichi, Shimazaki Toson, Futabatei Shimei, Tanizaki Junichiro, Kawabata Yasunari…của Nhật Bản; Hồ Thích, Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Lý Kim Phát, Đới Vọng Thư, Từ Chí Ma, Băng Tâm… của Trung Quốc; Han Yong-un, Kim So-wol, Yi Kwang-su, nhóm Cửu Nhân Hội… của Hàn Quốc. Có thể nói chưa bao giờ văn học cận đại Đông Á lại được bàn luận kỹ lưỡng và tập trung như thế. Việc nghiên cứu, giới thiệu thơ mới, tiểu thuyết mới, kịch mới, phê bình văn học mới của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên - Hàn Quốc thực sự đã tiến lên một bước quan trọng.
Sách do Thầy Đoàn Lê Giang - PGS. TS., Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM biên soạn, tổng hợp từ kết quả Hội thảo Quốc tế “Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc” do The Japan Foundation tài trợ.