Hai chúng tôi là bạn đồng niên, đồng môn và đồng nghiệp một thời, lại có cùng một đam mê với lĩnh vực chiến tranh bí mật”. Những khi rảnh rỗi, ngồi với nhau thường hay đố nhau về những hoạt động cũng như thủ pháp để tiến hành hoạt động gián điệp. Có một đề tài mà cả hai đứa đều tâm đắc là hoạt động gián điệp kinh tế - kỹ thuật ở Việt Nam cũng như thế giới. Từ câu hỏi đố “Hoạt động tình báo kinh tế - kỹ thuật có trước hay tình báo quân sự - quốc phòng có trước?”, hai thằng tích cực “tầm chương trích cú” từ sách Tôn Tử sang đến tư liệu giải mật hiện đại cộng thêm truyện trinh thám Đông Tây Kim Cổ để tạm kết luận rằng “Tình báo kinh tế - kỹ thuật xuất hiện trước cả tình báo quân sự - quốc phòng”. Chẳng phải thời thượng cổ, dù chưa hình thành giai cấp, chưa có quốc gia và lãnh thổ, dù chỉ đi lang thang săn bắn hái lượm nhưng các bộ lạc người nguyên thủy vẫn phải bảo vệ ngọn lửa của mình hay sao? Cổ tích Hy Lạp đã ghi rành rành chuyện Prometheus đánh cắp ngọn lửa cho nhân gian nên bị chúa tể các vị thần là Zeus trừng phạt, còn trinh thám hiện đại “tái xác nhận” bằng tiểu thuyết Đoạt Lửa. Bài thuốc chống nẻ tay của gia đình theo nghề giặt truyền thống ở nước Tống lọt vào tay vua Ngô Phù Sai đã trở thành bảo bối hộ thân giúp quân Ngô giữ cho đôi tay mình lành lặn để cầm được vũ khí, giữ được chèo trong các chiến dịch mùa đông trước quân nước Việt. Song hành với sự phát triển của văn minh nhân loại là sự phát triển của hoạt động tình báo kinh tế - kỹ thuật: người Ấn Độ học được nghề nuôi tằm lấy tơ dệt lụa thay cho vải làm từ bông chính là nhờ các lái buôn kiêm gián điệp, nghề sản xuất gốm sứ Trung Hoa bị học lóm bởi một gián điệp kinh tế vốn là cố đạo... Các ông chủ xưởng thép tại Bỉ, Đức, Tây Ban Nha không thể ngờ việc nguyên liệu, quy trình và kỹ thuật đúc thép của mình đã lọt vào tay người Anh do chính anh chàng nghệ sĩ giang hồ mà họ rước vào xưởng để giúp vui cho thợ, vì anh ta lại chính là Fowler - chủ xưởng thép Winchester. Thép gió nổi tiếng của Fowler đã theo nước Anh khởi đầu và kết thúc cách mạng công nghiệp châu Âu thế kỷ 18. Nhưng rồi sang năm 1847, đến phiên các ông chủ xưởng thép nước Anh phải ngậm ngùi khi hãng Krupp của nước Đức giành được các hợp đồng sản xuất vũ khí khắp châu Âu vì thép của Krupp đạt chất lượng vượt trội. Ít ai ngờ kết quả ấy có được từ một chàng trai khi thì ăn vận lam lũ kiểu thợ thuyền, lúc lại trang phục lộng lẫy như hoàng tử hay lang thang tán tỉnh con gái các bác thợ cả hoặc khiêu vũ cùng quý cô nương con mấy ông chủ xưởng thép nhằm tìm hiểu các loại nguyên liệu phụ gia như crôm, môlípđen, titan, niken... trong sản xuất thép từ chín năm về trước. Chàng trai đó chính là Alfred Krupp - người đã tạo dựng nên đế chế công nghiệp Krupp và cũng là người thiết lập hệ thống an ninh bảo mật doanh nghiệp chính thức ngay trong hãng mình. Ngay tại Việt Nam, giai thoại về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đem được hạt giống ngô lạ từ chuyến đi sứ Trung Hoa hay Nhà Nông học Lương Định Của giấu được mẫu đất trồng từ Nhật Bản trong móng tay của mình để về nghiên cứu cũng đâu kém ly kỳ hay lãng mạn để minh họa cho sự hiện hữu của hoạt động tình báo kinh tế - kỹ thuật. Trong thời hội nhập - phát triển kinh tế thì sự xâm nhập của các hoạt động tình báo gián điệp kinh tế - kỹ thuật lại càng thuận lợi hơn, nhưng có vẻ như với các doanh nhân, nghiệp chủ Việt Nam thì việc ngăn ngừa phòng chống lại không được chú trọng đúng mức. Và khi tôi đặt ra vấn đề này thì bạn tôi - một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp bật cười:
" Không phải không được chú trọng đúng mức, mà phải nói là chỉ được chú trọng với từng đối tượng doanh nhân khi mà ở doanh nghiệp của họ đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Trong các cụm chủ đề bài giảng của tớ thì việc phòng chống gián điệp trong doanh nghiệp là một chủ đề quan trọng, nhưng chẳng mấy khi được triển khai. Tại vì làm thầy của doanh nhân... phức tạp hơn làm thầy của học sinh sinh viên nhiều lắm. Mấy năm trước, trên tạp chí Doanh nhân và Pháp luật, tớ cũng đã khái quát nét tiêu cực chính của các doanh nhân khi tham dự những khóa tư vấn doanh nghiệp mà các cơ quan chức năng từ Trung ương xuống đến địa phương tổ chức. Đó là hiện tượng “ích kỷ hóa” kiểu “nhất ta nhì trời” luôn xem việc đến lớp là cơ hội chứng tỏ bản thân, quảng cáo cho doanh nghiệp mình toàn những cái nhất và thay vì trao đổi kinh nghiệm với các bạn học, thảo luận với chuyên gia tư vấn thì lại biểu hiện cực đoan kiểu “Ta biết tuốt, ta mới có... bản sắc anh hùng(!). Vậy nên ở doanh nghiệp tuyệt vời như thiên đường của ta, làm quái gì có sơ hở để cho gián điệp xâm nhập”. Bên cạnh đó, chuyện sử dụng tình báo cạnh tranh tuy là thực tế trước mũi mỗi doanh nhân, nhưng các “quý ngài biết tuốt” này lại xác lập quan điểm phòng chống theo hướng “Đã có... bảo vệ công ty lo vụ phòng ngừa”, “Cần thì cứ báo... công an”. Cho nên những doanh nghiệp mà tớ có hân hạnh giới thiệu chuyên đề phòng chống gián điệp kinh tế thì đều là những doanh nghiệp đã bị thiệt hại và có thể nói tóm tắt một câu: Chỉ có doanh nhân từng bị thiệt hại về gián điệp kinh tế mới thấy được cái lợi ích của gián điệp kinh tế. Sao tụi mình không tìm cách giảm thiểu cái giá phải trả để xác lập nhận thức đúng đắn ấy cho phần doanh nhân còn lại? - Tôi thử nêu vấn đề - Họ có thể ngại không muốn bày tỏ sự quan tâm với đề tài này tại lớp học vì đó là chốn đông người, nhưng họ sẽ không ngại ngần bày tỏ sự quan tâm đó bằng cách đọc sách một mình. Bạn thấy sao?"
Bạn tôi có vẻ hào hứng với ý kiến đó, cho nên mới có cái quyển sách này mang tên tác giả là... hai “đứa” chúng tôi. Sách được viết ra trên tinh thần nâng cao ý thức về an ninh doanh nghiệp và phòng chống gián điệp trong doanh nghiệp chứ không nhằm mục đích đưa ra những dẫn chứng, những đánh giá tiêu cực hoặc chỉ trích bất cứ doanh nghiệp, cá nhân các nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp, CEO nào cả. Ngược lại, thông qua những câu chuyện được kể lại trong quyển sách này, chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là chia sẻ lại những điều nên làm hoặc không nên làm trong việc xây dựng công tác an ninh doanh nghiệp và phòng chống gián điệp trong doanh nghiệp với góc nhìn của những chuyên gia nghiên cứu, tư vấn và đào tạo trong lĩnh vực này, vốn là những người đã chứng kiến những thiệt hại đau lòng của các nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp, CEO khi chưa xây dựng công tác an ninh doanh nghiệp và phòng chống gián điệp trong doanh nghiệp trong nhiều năm đã qua.
Trừ các tư liệu đã được công khai trên báo chí và mạng máy tính, vì tính chất nhạy cảm của hoạt động, do tôn trọng điều kiện bảo mật của các hợp đồng tư vấn đã ký với các doanh nghiệp nên tên người, tên đơn vị trong các câu chuyện được sử dụng làm ví dụ minh họa đã được thay đổi.
Võ Thế Chương