Tác giả trong mười mấy năm làm công tác tư vấn doanh nghiệp và giảng dạy các chương trình đào tạo doanh nghiệp luôn có quan điểm cá nhân là chỉ thích ở trong… “bóng tối” thôi! Sau khi cùng nhau là đồng tác giả hoàn thành quyển Sổ tay CEO - Phòng chống gián điệp trong doanh nghiệp với anh bạn cố tri Võ Thế Chương (nhà văn Lâm Hà), cũng do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, tác giả quyển sách này chuẩn bị lại tiếp tục trở về trong… “bóng tối” nữa!!! Thế rồi trong những lần vào dự thính các buổi giảng chuyên đề của tác giả về Quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp trong một lớp CEO do Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (Institute of Development and Research - IDR) trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, anh bạn cố tri này lại… “bắt buộc” và “lôi” tác giả quyển sách ra… “ánh sáng” thêm lần nữa để triển khai trở thành quyển sách này với một lý do duy nhất được nêu ra là: “Bạn đã trải nghiệm rất nhiều khi hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết cái chuyện chống lại đám đông nguy hiểm trên mạng bằng những bí kíp đối phó và xử lý với khủng hoảng truyền thông trong cái thời của các mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, v.v.. Vậy tại sao bạn không tìm cách chia sẻ cho các doanh nhân, chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý doanh nghiệp, CEO cách phòng ngừa và xử lý những chuyện này chứ?”. Đó cũng chính là lý do tác giả quyết định viết quyển sách này từ những gì thu hoạch được trong suốt quá trình tư vấn và giảng dạy các chương trình đào tạo của mình về một vấn đề thuộc vào “một phần tất yếu trong cuộc sống” của doanh nghiệp trong thời đại mới này!
Chắc sẽ ít có ai biết được rằng, có một điều mà tác giả rất là… khó khăn khi quyết định chọn hình thức thể hiện nội dung của quyển sách này mà không bị trùng lặp lại bởi trước đây cũng từng có một số tác giả khác đã viết về đề tài “khủng hoảng truyền thông của doanh nghiệp” này rồi. Cho nên, việc quyết định chọn hình thức thể hiện nội dung của quyển sách là “kể chuyện, phân tích câu chuyện và chia sẻ kinh nghiệm” đã giúp cho tác giả “xử lý” được vấn đề sẽ không gặp phải “khủng hoảng” để không bị “ném đá”, không bị “khủng bố” trực tuyến là viết… giống như người khác bởi nội dung chủ đạo của quyển sách đang chính là: quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả của doanh nghiệp mà!
Để viết quyển sách này, bởi tác giả đã là một chuyên gia tư vấn và giảng viên các chương trình đào tạo dành cho doanh nghiệp nên thuận lợi trong việc đưa vào nội dung quyển sách những minh họa cụ thể mà bản thân tác giả đã thu thập thông tin được công bố rộng rãi và cả những trường hợp thực tế trong suốt quá trình tư vấn quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp trong mười mấy năm qua. Tuy vậy, để cho có thêm nhiều ý kiến, nhiều nhận định khách quan khác, tác giả cũng đã dành nhiều thời gian để tiếp cận và trao đổi với các đồng nghiệp đang làm chuyên gia tư vấn, các luật sư đã từng tham gia các hoạt động xử lý khủng hoảng truyền thông cho các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp này gặp phải khủng hoảng vì bị “khủng bố” trực tuyến cũng. Ngoài ra, tác giả, trong quá trình giảng dạy, cũng đã trao đổi cùng những học viên của mình - những người đang làm công tác truyền thông trong các doanh nghiệp đã từng gặp phải khủng hoảng truyền thông vì bị “khủng bố” trực tuyến, các giảng viên tham gia giảng dạy về truyền thông, PR (là tên viết tắt của Public Relations có nghĩa là Quan hệ công chúng), Digital Marketing… Từ đó, bản thân tác giả đã được đi đào sâu hơn vào vấn đề quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù, cũng như bổ sung cho những thiếu sót về mặt kiến thức, kinh nghiệm, tình huống thực tiễn của chính tác giả.
Chính vì vậy, quyển sách được viết ra trên tinh thần nâng cao ý thức về quản trị “khủng bố” trực tuyến và những phương cách xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp chứ không nhằm mục đích đưa ra những dẫn chứng, những đánh giá tiêu cực hoặc chỉ trích, bài bác bất cứ doanh nghiệp, cá nhân các nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp, CEO nào cả. Ngược lại, thông qua những câu chuyện được tác giả kể lại trong quyển sách này, tác giả chỉ có một mong muốn duy nhất là chia sẻ lại những điều nên làm cũng như không nên làm trong việc xây dựng công tác quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông sao cho hiệu quả cho doanh nghiệp với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu, tư vấn và đào tạo trong lĩnh vực này. Bởi tác giả đã chứng kiến những thiệt hại đau lòng của các nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp, CEO khi chưa xây dựng công cụ quản trị “khủng bố” trực tuyến và xử lý khủng hoảng truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp trong nhiều năm đã qua.
Ngoại trừ các tư liệu đã được công khai trên báo chí và mạng Internet, vì lý do tế nhị, vì lý do bảo mật thông tin cho các doanh nghiệp, vì lý do sự nhạy cảm của tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như do tôn trọng điều kiện bảo mật của các hợp đồng tư vấn đã ký với các doanh nghiệp nên tên người, tên doanh nghiệp, đơn vị trong các câu chuyện được sử dụng làm ví dụ minh họa đã được thay đổi… Đồng thời, những nhận xét, nhận định và phân tích còn chưa phù hợp (nếu có) đối với các doanh nghiệp, đơn vị hay cá nhân được đề cập đến trong quyển sách này chẳng may bị hiểu sai về góc nhìn, về quan điểm… là hoàn toàn ngoài ý muốn của tác giả.
Tác giả xin trân trọng cám ơn tất cả những người đã cung cấp, chia sẻ thông tin, tình huống thực tiễn… để góp phần giúp cho tác giả hoàn thiện quyển sách này và tác giả quyển sách rất mong nhận được những góp ý của bạn đọc gần xa, đặc biệt là các doanh nhân, chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý doanh nghiệp, CEO.