Trước đây và ngay cả bây giờ, người Pháp vẫn thường cho rằng người ta sinh ra đã là nhà báo rồi chứ không thể qua học tập mà trở thành nhà báo được. Người Việt Nam cũng đồng ý như thế, cho rằng viết hay, viết giỏi là năng khiếu trời cho. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khả năng bẩm sinh không thôi thì chưa đủ. Nghề báo hiện đại đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Dẫu không có năng khiếu, nhưng nếu yêu thích nghề báo, đầy nhiệt huyết và kiên nhẫn, bạn vẫn sẽ viết được, tức “sinh ra không phải là nhà báo nhưng rồi sẽ trở thành nhà báo”.
Sách này – một cuốn cẩm nang – sẽ hỗ trợ cho người đang sẵn sàng lao vào con đường học tập để hành nghề báo chí. Như bạn.
Trên thực tế, nghề báo không khác gì một nghề thủ công, qua đôi tay cần mẫn của người viết mà tác phẩm được tạo thành. Nghề này còn giống nghề nông, phải cày sâu cuốc bẫm, phơi đất, tìm giống, gieo hạt, khơi nguồn nước, làm cỏ, phun thuốc diệt sâu bọ mới mong có ngày thu hoạch tốt. Vì thế, trong sách, tác giả sẽ không đề cập nhiều đến phương diện nghệ thuật của nghề, mà chủ yếu đến công việc viết lách. Hoạt động chính của nhà báo bao gồm săn tìm thông tin và viết lách.
Tuy nhiên, chỉ trong viết lách họ mới sử dụng tay nghề của mình một cách đầy đủ nhất. Vì thế tác giả chỉ nhắm đến một mục tiêu: Giúp bạn viết một cách chính xác, súc tích và hấp dẫn. Không ai có thể phủ nhận được rằng viết tốt là xương sống của báo chí.
Sách sẽ tập trung vào báo viết, nhưng bạn có thể sử dụng mọi kỹ năng săn tin, viết lách được hướng dẫn ở đây cho bất cứ loại hình báo chí hoặc truyền thông đại chúng nào; và cả cho nhiều loại bài viết khác. Nguyên tắc luôn giống nhau, chỉ khác có cách áp dụng.
Những bạn ham thích viết lách hay vì nghề nghiệp mà phải cầm bút cũng sẽ tìm thấy trong sách các gợi ý bổ ích. Nhiều người nói hay nhưng viết lại kém nên lắm lúc đã gặp khó khăn khi đi xin việc làm. Giám đốc nhân sự một công ty từng cho biết: “Đối với các vị trí như nhân viên hành chính, thư ký, kế toán… chúng tôi rất chú trọng đến kỹ năng viết lách của ứng viên khi tuyển dụng. Một số người lúc tuyển vào họ viết tương đối tốt rồi, nhưng khi làm việc chúng tôi vẫn phải đào tạo họ cách viết cho phù hợp với yêu cầu của công việc.”
Hãy quay trở lại với nghề báo. Muốn vào nghề này, bạn cần biết qua về tòa soạn. Trong những trang đầu của sách, tác giả sẽ giới thiệu cách tổ chức và chức năng của một tòa soạn. Sau đó chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tin tức, cách thức săn tin cũng như các vấn đề liên quan đến nguồn tin. Rồi kỹ thuật viết lách, trong đó bao gồm nguyên tắc chung về viết lách, cách thức tìm ý tưởng, tức “tư duy đề tài”, theo cách gọi của người trong nghề.
Tiếp đó chúng ta sẽ nghiên cứu cách viết đặc thù của nhà báo: thể hiện bài theo hình tháp ngược, cùng cách tường thuật họp báo, hội nghị, hội thảo và thực hiện bài phỏng vấn. Việc viết bài thể loại bình luận cũng sẽ được giới thiệu cùng những kiểu rút tít cho các loại bài khác nhau.
Một số chương còn có bài đọc thêm là bài viết đã đăng báo của tác giả (không phải những bài hay nhất, khi đưa vào đây cũng được sửa chữa thêm); có thể xem đó như những ví dụ thực tế về viết lách minh họa cho nội dung của chương.
Những gì được trình bày, thảo luận trong sách đều dựa trên kinh nghiệm của đồng nghiệp cùng của tác giả. Trong khi biên soạn, người viết đã tham khảo thêm nhiều sách giáo khoa báo chí lẫn sách hướng dẫn viết lách của các cây bút trong nước và nước ngoài. Kinh nghiệm và kiến thức luôn mang tính kế thừa.
Một số phần của sách đã được sử dụng cho các lớp báo chí của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lớp tập huấn báo chí do trường và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức và nhiều lớp tập huấn khác do một số tờ báo ở TP.HCM và một số hội nhà báo tỉnh tổ chức. Một số nội dung của sách từng được đăng tải trên các tạp chí Nghề Báo TP.HCM, Người làm báo (của Hội Nhà báo Việt Nam). Khi sử dụng lại, tác giả đã biên tập thêm cho phù hợp.
Sách không có các phần về tường thuật chính trị, xã hội hoặc giáo dục, kinh tế hay thể thao… Như nói ở trên, đây chỉ là cẩm nang cơ bản về nghề báo. Chính vì thế, nó cũng không có các chương phóng sự, điều tra – nội dung của một cuốn sách khác đã ra mắt bạn đọc (năm 2016).