Từ nhiều năm qua, Singapore – đảo quốc Sư Tử – đã trở nên gần gũi thân quen với chúng ta. Ngày càng có nhiều người Singapore bỏ vốn đầu tư, quan hệ giao thương hoặc du lịch tại Việt Nam. Ngược lại, người Việt sang Singapore tìm cơ hội kinh doanh, làm việc và học tập cũng ngày càng đông và đã có không ít sách báo, tài liệu bằng tiếng Việt giới thiệu về đất nước và con người ở đảo quốc này.
Cuốn sách mà độc giả đang cầm trên tay cũng được viết với đề tài này, nhưng có hai điểm đặc biệt: tác giả Lê Hữu Huy, vốn sang Singapore học tập từ cách nay hơn mười lăm năm, hiện là một doanh nhân đang sống và làm việc ngay tại đây và những gì mà anh quan sát, cảm nhận về nước này được thể hiện dưới dạng những bức thư từ Singapore. Những bức thư đó đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một số tờ báo khác ở Việt Nam và nay được tuyển chọn để in thành cuốn sách này.
Với dạng những bức thư, tác giả có thể kể chuyện, tâm sự với người đọc một cách cởi mở, thoải mái về sinh hoạt thường nhật, về các sự kiện đáng chú ý đang diễn ra ở đảo quốc Sư Tử, cũng như tâm trạng, cảm nghĩ của một người Việt đang làm ăn nơi xứ người. Qua những mẩu chuyện nhỏ hoặc những sự kiện thời sự được thuật lại chi tiết với phần bình luận của tác giả, chẳng hạn chuyện nghị sĩ xuống nhà dân, chính sách tiếp thị du lịch qua cái toa lét, việc giải quyết đất công bị lấn chiếm, hiện tượng nói tiếng Anh theo giọng Sing (Singlish), một cuộc thi tìm người hàng xóm tốt bụng, dịch vụ ma chay, chuyện thuê ôsin, cách quản lý trò chơi trực tuyến theo kiểu “dĩ độc trị độc”… người đọc có thể hình dung rõ hơn cuộc sống của người dân ở đây cũng như bộ mặt chính trị - xã hội của Singapore - một trung tâm tài chính lớn của châu Á, một xứ sở nổi tiếng sạch sẽ, trật tự, và cũng là một đất nước đa sắc tộc chung sống yên bình. Và điểm đáng nói hơn nữa là cái tình, là tấm lòng của tác giả hướng về quê nhà toát ra từ hầu hết các bài viết. Ðó có thể là sự yêu quý, tự hào đối với tiếng mẹ đẻ, là sự cố gắng tìm hiểu nguyên nhân thành công của nước bạn và niềm mong mỏi giới hữu trách ở quê nhà vận dụng những kinh nghiệm thành công ấy, là sự động viên, chia sẻ khó khăn đối với người đồng hương trên xứ người…
Nhưng dù là ghi nhận, phản ánh thực tế xã hội xứ người hoặc bộc lộ nỗi lòng của riêng mình, bao giờ tác giả cũng thể hiện một cái nhìn lạc quan, điềm tĩnh, chừng mực và thái độ thân ái, hòa hợp với nơi mình đang sống, khác với thái độ cường điệu, thậm chí cực đoan dễ thấy ở nhiều tác giả người Việt ở nước ngoài.
Thư Singapore của Lê Hữu Huy giúp chúng ta hiểu người và hiểu ta hơn. Hiểu người để cố gắng theo kịp người; hiểu ta để khỏi phải rơi vào hai thái cực: tự tôn hoặc tự ti, và để quý trọng hơn nữa tấm lòng cùng những nỗ lực vượt qua bao trở ngại để sống tử tế trên xứ lạ của nhiều người con xa xứ.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này cùng quý độc giả.
Saigon Times Books