Nói đến ăn uống, tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người dân xem miếng ăn là trời”, đủ để thấy được “miếng ăn” chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ăn, không chỉ để no bụng, mà có cái để ăn, ăn được, biết cách ăn, được xem là “phúc đức”. Người đời sau hay dẫn câu nói của Khổng Tử: “Ẩm thực, trai gái, đều là ham muốn to lớn của con người” để thúc đẩy văn hóa ẩm thực, và đây cũng chính là căn cứ, là bằng chứng cho thấy thái độ tích cực, tư tưởng tiến bộ trong hưởng thụ cuộc sống của người dân.
Kỹ thuật nấu ăn của Trung Quốc phát triển vượt bậc, rất nhiều nguyên vật liệu trong mắt người nước ngoài là không thể ăn được, nhưng khi vào tay các đầu bếp Trung Quốc đã biến thành món ăn thơm ngon, đẹp mắt; thực đơn món ăn của người Trung Quốc cũng tương đối phong phú, những gì ăn được đều liệt kê vào thực đơn, rất ít kiêng kỵ. Người Trung Quốc cho rằng, ăn được là phúc đức, nên không chỉ sáng tạo ra nhiều món ngon với khẩu vị của nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ rộng lớn của mình mà còn đem nền văn hóa ẩm thực này truyền bá khắp thế giới, do đó, trong thời đại hội nhập ngày nay, ở các thành phố lớn trên khắp thế giới đều có thể thưởng thức được hương vị món ăn Trung Hoa.
Cũng giống như các quốc gia có diện tích rộng lớn khác, khẩu vị các món ăn Trung Hoa được phân chia thành nam bắc hai miền. Mặc dù gạo ngon nhất của Trung Quốc ở vùng đông bắc, nhưng người dân các tỉnh thành miền bắc và vùng đông bắc này lại thích ăn mì và các món chế biến từ bột mì. Các món ăn nổi tiếng và kinh điển nhất của vùng này là món thịt dê nhúng, vịt quay Bắc Kinh, các món Sơn Đông. Thức ăn chính của người dân miền nam Trung Quốc chủ yếu là gạo và các món chế biến từ gạo, bột gạo, cách thức chế biến khá phong phú, vừa có những món cay của vùng Tứ Xuyên, vùng Tương Giang (Hồ Bắc – Hồ Nam), vừa có các món mang vị ngọt của vùng đất Tô Châu, vị tươi ngọt thịt của các món canh hầm Quảng Đông. Vì vậy, những ai từng đặt chân đến Trung Quốc đều ngạc nhiên rằng không những các món ăn thay đổi khá nhiều theo vùng miền, mà chủng loại, hình thức cũng vô cùng đa dạng, phong phú.
Món ăn Trung Hoa không chỉ thỏa mãn vị giác của thực khách mà còn là đại tiệc của thị giác. Tiêu chuẩn trong nghệ thuật ẩm thực của Trung Hoa là phải hội tụ cả sắc, hương, vị. Để món ăn có màu sắc đẹp mắt, thông thường sẽ chọn đủ các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ thực vật lẫn động vật, thường bao gồm một nguyên liệu chính và hai, ba loại phụ liệu có màu sắc khác nhau, phối hợp hài hòa giữa các màu xanh, lục, đỏ, vàng, trắng, đen, màu tương… cùng với cách thức chế biến phù hợp sẽ cho ra món ăn có màu sắc đẹp mắt, đạt đến hiệu quả thẩm mỹ cao. “Hương” thường là những hương liệu được thêm vào món ăn với lượng thích hợp như: hành, gừng, tỏi, rượu, đại hồi, quế, tiêu, dầu mè, nấm hương… để tăng thêm mùi vị cho món ăn, kích thích khứu giác của thực khách. Có nhiều cách chế biến món ăn như: chiên, xào, kho, hấp, rán, hầm, nấu… vừa chú trọng đảm bảo giữ được mùi vị, hương sắc của thức ăn, vừa có thể dùng món ăn với các loại nước chấm như nước tương, giấm, hương liệu, ớt… để món ăn thêm đậm đà, tạo nên khẩu vị mặn, ngọt, chua, cay khác nhau. Ngoài ra, còn có thể dùng cà chua, củ cải, cà rốt cắt, gọt, tỉa thành bông hoa, con vật… trang trí, tô điểm cho món ăn thêm phần đẹp mắt, để việc “ăn” các món ăn Trung Hoa thực sự trở thành nghệ thuật ẩm thực.
So với người Mỹ thường chú trọng lượng calori và cholesterol trong thức ăn để giữ gìn vóc dáng và sức khỏe, người Nhật thường chuộng thử nghiệm các loại thực phẩm chức năng để giữ mãi tuổi thanh xuân, thì người Trung Quốc nhận thức được rằng “món ăn chính là vị thuốc”. Do tin rằng thông qua việc ăn uống có thể đạt được hiệu quả trong phòng và trị bệnh, dưỡng sinh, nên nhiều loại thực vật có công dụng này trở thành món ăn quen thuộc trong ẩm thực của người Trung Quốc. Đồng thời, người Trung Quốc rất chú trọng “thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế” nên trong ẩm thực, họ rất coi trọng số lượng, chất lượng, cách thức chế biến của món ăn, món thịt – món rau phải phối hợp hài hòa. Cho dù là món mặn hay canh, đều phải quân bình tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong nguyên vật liệu, để cơ thể có thể hấp thụ được đầy đủ các chất dinh dưỡng. Về khẩu phần ăn, một trong những bí quyết sống thọ truyền từ nhiều đời trước của người Trung Quốc, đó là ăn uống chỉ ăn lưng chừng bụng, không ăn quá no, cũng không để đói.
Lễ nghi trên bàn ăn của người Trung Quốc có những quy định truyền thống của nó, chẳng hạn như phải ngồi ngay ngắn trong bàn ăn, nếu có người lớn tuổi cùng ăn, thì người trẻ tuổi phải mời người lớn tuổi ngồi vào bàn ăn trước, khi gắp thức ăn phải dùng đũa, uống canh phải dùng muỗng để múc vào chén của mình, trong lúc dùng bữa không được nói cười lớn tiếng gây ồn ào… Nhưng những lễ nghi truyền thống này truyền đến đời nay đã có nhiều thay đổi đáng kể, thấy rõ nhất là ngày càng có nhiều người quên mất lời dạy bảo của người xưa “trong lúc ăn không nên nói cười lớn tiếng”. Quả thật như vậy, khi dùng cơm với người Trung Quốc, bạn sẽ cảm thấy khung cảnh bàn tiệc quá ồn ào, rất nhiều thực khách miệng đầy thức ăn vẫn to tiếng nói chuyện và cười hô hố. Tình trạng này có lẽ là do nhiều người xem bàn tiệc, bữa ăn là một cơ hội giao tế quan trọng, thắt chặt thêm tình cảm và mở rộng thêm quan hệ.
Những năm gần đây, do sự phát triển nhanh chóng của các ngành công thương nghiệp, ngoài những nhà hàng truyền thống phục vụ thực khách gọi món theo thực đơn, xã hội Trung Quốc còn xuất hiện những nhà hàng chuyên bán thức ăn nhanh kiểu Trung Quốc, ẩm thực các nước trên thế giới cũng ồ ạt xuất hiện ở các đô thị lớn của Trung Quốc, pizza Ý, món Pháp, món Nhật, hambuger Mỹ, bia Đức, thịt nướng Brazil, cà ri Ấn Độ, phô mai Thụy Sĩ… muốn ăn gì cũng có, thật đúng với câu “muốn ăn là phải đến Trung Quốc”.