Công trình Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam sẽ góp phần làm rõ một số vấn đề nhận thức cơ bản về văn hóa du lịch nói chung cũng như văn hóa du lịch ở Việt Nam nói riêng, trong đó có mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch, nhận diện sự khác biệt giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa, các thành tố của văn hóa du lịch, việc ứng xử văn hóa trong phát triển du lịch...
Bên cạnh đó, công trình cũng góp phần khái quát thực trạng du lịch Việt Nam từ góc nhìn văn hóa du lịch xoay quanh các thành tố như: tài nguyên du lịch, du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cộng đồng địa phương cũng như quản lý nhà nước về du lịch, về môi trường du lịch quốc tế với những ứng xử theo thông lệ quốc tế... Công trình cũng bước đầu làm rõ xu hướng du lịch chuyển từ kiểu “viếng thăm” hay ngắm cảnh thông thường (theo kiểu “du hí”) để chuyển sang du lịch tìm hiểu sâu về giá trị văn hóa và cuộc sống cư dân bản địa với những sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh...; xa hơn là mô hình du lịch “wellness tourism” nhằm thỏa mãn một tổ hợp những nhu cầu về thể chất và tâm trí, tinh thần con người, hoặc xu hướng “du lịch sành điệu” trong xã hội “hậu hiện đại” như có người đã đề cập...
Đáng chú ý, một trong những nội dung được tập trung quan tâm giải quyết trong công trình này là vấn đề nâng cao nhận thức về văn hóa du lịch cho các đối tượng trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Một khi văn hóa du lịch được triển khai thực hiện tốt sẽ thu hút đông đảo du khách quốc tế đến Việt Nam và nâng tầm du lịch Việt Nam lên một bước phát triển mới.
Một đóng góp nữa của công trình cũng cần được ghi nhận là việc định hướng thị trường và phát triển sản phẩm, đặc biệt là chú trọng đến các sản phẩm du lịch sinh thái và văn hóa, lịch sử đặc sắc, mang bản sắc văn hóa Việt Nam, có sức cạnh tranh cao như du lịch biển đảo, du lịch làng nghề, du lịch đồng quê, du lịch miệt vườn... cùng những giải pháp xoay quanh các thành tố văn hóa du lịch như: tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới; tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà trường và doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng cho thị trường du lịch cao cấp; giải pháp liên kết vùng; tăng cường trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch; coi trọng mục tiêu phát triển du lịch bền vững và du lịch có trách nhiệm v.v...
Trích Lời giới thiệu
PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng
Trưởng Bộ môn Văn hóa ứng dụng - Khoa Văn hóa học, ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP. HCM
Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng
Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM Phó Chủ tịch Chi hội Đào tạo -
Hiệp hội Du lịch TP. HCM