Từ năm 1975, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và đặc biệt là sau khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết tan rã (năm 1991), cuộc Chiến tranh lạnh hạ màn đã để lại một khoảng trống quyền lực ở khu vực Biển Đông. Ngay lập tức, Trung Quốc vươn lên khẳng định vị thế của mình ở Biển Đông làm cho vùng này nóng lên với những tranh chấp mang tính quốc tế.
Hơn một thế kỷ nay, Biển Đông luôn giữ vị trí địa - chính trị toàn cầu, thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới, thể hiện tư duy chiến lược, chính sách đối ngoại, sức mạnh, vị thế của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và cộng đồng ASEAN.
Đối với Trung Quốc, nếu làm chủ Biển Đông sẽ kiểm soát được con đường hàng hải nhộn nhịp đứng hàng thứ hai của thế giới, nâng cao sức mạnh và vị thế của Bắc Kinh trên thế giới. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cũng đã tuyên bố lợi ích của mình tại khu vực này, đồng thời kêu gọi tự do hàng hải, thi hành nhiều chính sách nhằm khẳng định vị thế của Mỹ.
Bảo vệ chủ quyền và quản lý - khai thác biển đảo Việt Nam (1975 - 2014) là một cuốn sách chuyên khảo được tác giả nghiên cứu biên soạn công phu, góp phần dựng lại bức tranh về lịch sử bảo vệ chủ quyền và quản lý - khai thác biển đảo của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế đa dạng và phức tạp. Những tư duy chiến lược quốc tế,
đặc biệt là chiến lược về Biển Đông của Mỹ và Trung Quốc đã tácđộng to lớn đến công cuộc bảo vệ chủ quyền và quản lý - khai thác biển đảo của Việt Nam.
Phương pháp lịch sử được sử dụng chủ đạo, luôn đặt các sự kiện, các vấn đề trong một hoàn cảnh lịch sử với những tương quan nhất định để xem xét và giải quyết vấn đề, tác giả đã khá thành công khi phản ánh những biến động phức tạp trên bàn cờ chính trị quốc tế, cùng tình hình kinh tế, chính trị trong nước tác động đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cuốn sách đã đi sâu phân tích thực trạng, phản ánh những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trên cơ sở những phân tích đó, tác giả rút ra ý nghĩa, đánh giá những ưu điểm và hạn chế qua từng chặng đường lịch sử bảo vệ chủ quyền và quản lý - khai thác biển đảo Việt Nam cùng những kinh nghiệm lịch sử rút ra từ thực tế đó; đồng thời, đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết những tranh chấp biển đảo, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong giai đoạn sắp tới.
Hy vọng cuốn sách là một tài liệu bổ ích đối với độc giả, góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền và quản lý - khai thác biển đảo Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30-4-2016
PGS. TS. Võ Văn Sen
(Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM)