Ở thời đại thông tin hôm nay, việc tìm lại những kỷ niệm xưa không còn khó khăn. Với đôi chút kỹ thuật tìm kiếm trên mạng internet, chúng ta có thể xem được nhiều hình ảnh từ những ngày đầu tiên người Pháp đặt chân đến Đông Dương đến việc vừa xảy ra cách nửa vòng trái đất. Nhiều bộ sưu tập khá quy mô về khung cảnh miền Nam khoảng nửa thế kỷ trước, các loại xe gắn máy, những biển quảng cáo sản phẩm của miền Nam, kem đánh răng Perlon, bia hiệu Con Cọp, thuốc lá Capstan… hay đường sá, chợ búa đã đem lại những khung cảnh quen thuộc cho người vào lứa tuổi 60.
Thế nhưng những dấu ấn vật chất ấy tuy có khiến cho chúng ta bồi hồi, hoài vọng một dĩ vãng nhưng cũng chỉ là hình ảnh mơ hồ như một cuốn phim quay ngược, tương tự như những trao đổi khác về tình yêu tuổi học trò, những tiệm ăn ngon, những quán kem, những rạp hát… đã qua đi trong thời thơ ấu. Thực tình mà nói, tuy phổ thông, hầu hết các sinh hoạt đó chỉ đáng nhớ với người tương đối khá giả, còn đa số trẻ con nhà nghèo ít được tham gia. Cho nên tuy cùng trang lứa, mỗi thành phần xã hội lại chất chứa trong mình một số kỷ niệm riêng chứ chưa hẳn ai ai cũng đều chung một tâm sự.
Cách đây không lâu, bạn tôi, anh Trần Văn Chánh, cho biết anh đang sưu tầm lại những bài học thuộc lòng, một môn học được dạy từ khi mới bước chân đến trường, vừa học nghĩa, vừa học văn, lại nhấn mạnh đến ý nghĩa luân lý hay xử thế. Những bài học đó hầu như ai cũng còn nhớ được ít nhiều nhưng vẫn chỉ là những mảnh vụn rải rác chìm khuất trong một góc ký ức như những mảnh vỡ còn sót lại của một chiếc tàu đắm giữa đại dương. Tuy vô hình, những kỷ niệm đó đã là những “hình bóng cũ” lâu lâu quay trở lại.
Thoạt nhìn vào công trình sưu tầm này, phần lớn chúng ta không đánh giá được cho đúng những khó khăn vì hầu như bất cứ ai cũng có thể đọc thuộc không vấp váp một số bài. Thế nhưng khi đi xa hơn một chút, công việc thật không phải dễ dàng, một phần vì sự đổi thay liên tục trong chính sách giáo dục, một phần vì không mấy ai để tâm lưu giữ những cuốn sách giáo khoa bậc tiểu học đã lỗi thời. Những mảnh vỡ thì nhiều nhưng một món đồ nguyên vẹn lại rất hiếm.
Việc sưu tầm những bài học đó cũng không phải là việc một sớm một chiều. Như những người đam mê đồ cổ, người làm công việc cần nhất cái tâm, lại phải có cả duyên nữa. Có những món đồ người này bỏ lăn lóc không ngó đến lại là một vưu vật đối với người khác. Nó cũng không giới hạn trong các bộ sách giáo khoa vì thầy cô giáo có thể dùng bất cứ một bài văn vần nào làm tài liệu học tập nếu thích hợp, linh động theo nhu cầu và tùy địa phương. Không hiếm những bài học được rút ra từ các tạp chí thiếu nhi như Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn, Tuổi Xanh của các nhà giáo Bùi Văn Bảo, Bùi Quang Kim…, hay Măng Non của các họa sĩ Văn Hiếu, Văn Đạt… Tuy chỉ là sách báo giải trí, nhiều đề tài lại có thể dùng để trang bị cho thanh thiếu niên vốn kiến thức văn hóa hay lịch sử.
Trong quan điểm tâm hồn tuổi thơ như một trang giấy trắng, những nhà giáo thời đó đã dạy cho trẻ em những bài học đơn giản đầu đời mà đến hôm nay, khi có dịp hàn huyên với bạn bè nhiều người vẫn còn nhắc đến với nhiều rung động.
Bà ơi cháu rất yêu bà,
Đi đâu bà cũng mua quà về cho.
Hôm qua có chiếc bánh bò,
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.
Mỗi lần cháu chạy chơi xa,
Mẹ cháu có đánh thì bà lại can.
Cháu không nói bậy nói càn,
Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà.
Trong một biến chuyển hầu như rất vô tình, những bài học cũ ấy đã ít nhiều thay thế văn chương truyền khẩu của tổ tiên để làm hành trang trao lại cho thế hệ kế tiếp. Nhiều bài học vốn dĩ là bắt buộc của học trò khi còn nhỏ thì lớn lên thành những bài hát để ru con và với người ở xa quê hương thì còn là những câu tiếng Việt căn bản dạy cho đàn cháu bi bô để chúng khỏi quên nguồn gốc.
Trong mọi hoàn cảnh, việc sưu tầm, bảo tồn và phổ biến những bài học thuộc lòng đã một thời gắn bó với học sinh bậc tiểu học của Trần Văn Chánh không hạn chế trong một công trình biên khảo hay nghiên cứu như anh đã và đang làm mà còn là một bông hoa thêm vào những tài sản giáo dục rất đáng trân trọng. Trong tinh thần đó, tôi tin rằng những độc giả khó tính nhất cũng sẽ quan tâm và cảm phục, và xin có mấy lời đề từ như một cách giới thiệu thêm tới đông đảo độc giả, đặc biệt đối với sinh viên - học sinh, các thầy cô giáo, và với tất cả những người đang nặng lòng với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
NGUYỄN DUY CHÍNH
10-2012