Tác giả của quyển sách quý vị đương cầm trên tay, quyển Bước đường của cải lương, Nguyễn Tuấn Khanh là người của computer, của những lập trình mạng, anh quen với những suy luận khúc chiết, những luận cứ có chứng minh cụ thể nên khi Khanh nói mình sẽ viết về con đường hình thành của cải lương, tôi tin anh sẽ tạo thành được một quyển sách có giá trị về một vấn đề hơi lạ và tương đối khó của một người không hẳn là ở trong nghề như những nghệ nhân có dính dáng đến đờn ca hay sáng tác tuồng tích. Rồi qua những lần nói chuyện, Khanh cho tôi thấy anh có những dự kiến rõ ràng những gì mình sẽ viết với các luận cứ vững chắc.
Bảy năm miệt mài tìm tài liệu trên mạng toàn cầu, trong báo chí xưa anh đi đến hai điều tôi cho là quan trọng:
1. Cải lương hình thành từ Ca ra bộ, mà Ca ra bộ là biến thể của Ca thay phiên mà Ca thay phiên là từ đờn ca tài tử. Nghĩa là, theo Khanh, cải lương phát xuất xa gần từ đờn ca tài tử. Dĩ nhiên cải lương còn thừa hưởng những nét văn hóa dân tộc trong nhiều đặc tánh của hát bội như đối đáp vui buồn (tình cảm), như phát biểu bằng nhiều hình thái (thể loại diễn tả tình cảm). Từ những thừa hưởng đó, cải lương phát huy để có những thể ca/ nói lối đặc biệt trong bất cứ tình huống nào của nhân vật.
2. Thời gian xuất hiện đầu tiên của bộ môn cải lương là năm 1919, 1920, đây là con số có được do chứng cứ cụ thể khả tín, không phải do phỏng đoán hay do những câu nói bắt người nghe/người đọc phải tin mà không thể kiểm chứng được như ‘tôi nhớ hình như lúc đó tôi còn nhỏ, độ... tuổi’ hay ‘theo người thân của tôi kể lại’. Những chứng cớ này nằm trong các tờ báo xưa, các post card mà Khanh mò mẫm trong các thư viện rồi từ từ tìm ra.
Khi đưa ra hai điều trên, Nguyễn Tuấn Khanh đương nhiên nói khác với những bậc lão thành đã viết từ lâu, lâu lắm mà từ đó đến nay nhiều người coi là chân lý. Tuy nhiên giọng văn của tác giả tỏ ra thiệt bình tĩnh, không ồn ào đả kích, không mở ra những cuộc tranh luận, anh chỉ nói những gì mình biết và mình tin là đúng, anh không muốn phá đổ lý thuyết của một ai, càng không muốn thổi tắt hào quang của một ai, giọng văn nhẹ nhàng, tránh nói tên người lập thuyết từ trước khiến người đọc không nhức đầu, không bất bình và say mê theo dõi những gì anh viết.
Tác giả lựa chọn cách trình bày theo thứ tự thời gian nên sự theo dõi của những ai không chuyên môn về đề tài này, như tôi chẳng hạn, cũng không thấy mình bị hụt hẫng để buông quyển sách xuống nửa chừng.
Tôi vốn là người đi lạc vào mê cung của con đường nghiên cứu về văn bản những tuồng hát bội xưa, nhứt là của thế kỷ XIX như tuồng Tam Quốc, tuồng Tây Du, tuồng Nhị Độ Mai, tuồng Lôi Phong Tháp, tuồng Vạn Bửu Trình Tường... Tình cờ những bản tuồng cải lương của Lê Chơn Tâm như Tang Đại giả gái (1925) của Trần Phong Sắc như Đắc Kỷ nhập cung, Hạng Võ biệt Ngu Cơ, Sát thê cầu tướng... lọt vào mắt tôi, tôi đọc và nhận thấy rằng (1) tác giả trước đây viết tuồng hát bội thường sau đó nếu có cơ hội thì viết tuồng cải lương. Và (2) những cách nói lối trong tuồng hát bội là cách nói lối đối đáp của cải lương trong giai đoạn đầu. Cái khác nhau là những bài ca của cải lương mà hát bội không có. Cái khác nữa là âm nhạc của cải lương khác xa âm nhạc của tuồng hát bội...
Tôi lúc đó cho rằng: hát bội là hình thức ban đầu. Cải lương là biến thể sau khi người Việt tiếp xúc với văn hóa của nước Pháp để biết được kịch nói. Người ta sử dụng sự đối đáp đơn giản về lời đối đáp, về cách điệu trao đổi đối đáp giống với cách nói chuyện ở ngoài đời và gần với cuộc sống thường nhựt như kịch Tây phương để thay thế cách thế hành động đầy tính cách tượng trưng, quy ước của hát bội. Nói cách khác theo tôi, trước khi đọc sách của Nguyễn Tuấn Khanh tôi tin rằng cải lương có nguồn gốc từ hát bội.
Chúng tôi trao đổi tài liệu, quyển Bản đờn tranh và bài ca của Phụng Hoàng Sang (1905) được trao đi, lâu lắm sau đó tôi nhận được từ Khanh quyển tuồng Ông Gia Cốp và các con (1927), tuồng Lục Vân Tiên... Sự trao đổi tài liệu nào đó đều rất ích lợi cho người nghiên cứu. Tôi biết thêm về tuồng hát bội ảnh hưởng đạo Thiên Chúa, tôi biết văn chương Nam ảnh hưởng ở Bắc như thế nào... Khanh có những kiến thức đặc biệt về những bản đàn của nhạc tài tử. Chúng tôi nói với nhau nếu những nhà nghiên cứu chịu mở rộng việc trao đổi những gì mình sưu tầm được thì sự nghiên cứu sẽ dễ dàng hơn nhiều. Cho tới bây giờ người ta vẫn còn theo tinh thần bo bo xưa, giữ kín những gì mình có. Đến nỗi còn giấu những sách hiếm quý ở các nơi lưu trữ hầu người thấy được chúng bị giảm thiểu tới mức tối đa với lập luận để chúng nằm đó ngày sau mình sẽ khai thác, sẽ viết một cuốn sách lớn, một đề tài quan trọng. Cuối cùng thì do tài liệu chất chứa nhiều quá, chính ông ta không có thời giờ đọc, suy nghĩ và tài liệu độc đáo của mình cũng thành một mớ giấy lộn chẳng giúp ích cho ai.
Khanh viết được, và bước qua được hai câu hỏi khó về thời gian xuất hiện và nguồn gốc của cải lương nhờ tinh thần trao đổi của anh. Ngoài tài liệu, anh còn trao đổi cả những suy nghĩ của mình anh thảo luận với người trong nghề đi hát, với thầy đờn, với soạn giả cải lương. Mỗi người hé cho anh một chút ánh sáng, và anh tổng hợp lại để đi đến câu trả lời của riêng anh. Tôi được thuyết phục khi đọc hết sách, tôi tin ở sự lập thuyết của anh và phần nào không còn tin tưởng mấy về lập thuyết tương quan giữa hát bội và cải lương mà tôi có trong trí nhớ mấy chục năm nay. Cái tuyệt vời của tác giả là ở đó!
Bạn đọc sẽ như tôi, sẽ được biết thêm nhiều về cải lương và về bài Dạ cổ hoài lang, tôi chắc chắn như vậy.
Và đó là sự thành công của anh, của một nhà nghiên cứu về một vấn đề hơi khó nuốt trôi của văn hóa Việt, nhứt là khi ta sinh sống ở hải ngoại này.
Nguyễn Văn Sâm
Alexandria, LA,
những ngày chớm Đông 2013