Trước hết, chúng tôi cũng xin thưa nhiều phần trong tập sách này không phải được xuất bản lần đầu. Năm 2002, một số bạn bè mới quen ở Việt Nam đã tập hợp một số biên khảo ngắn tôi viết để in thành Đọc Kim Dung tìm hiểu văn hóa Trung Quốc.
Nguyên thập niên cuối của thế kỷ XX, tôi có dịch một số truyện chưởng Kim Dung (Ỷ Thiên Đồ Long ký, Thiên long bát bộ, Bạch Mã khiếu Tây Phong, Uyên Ương đao, Việt nữ kiếm…) và chuyển lên một trang mạng có tên Việt Kiếm (vietkiem.com), nay không còn hoạt động nữa.
Không gian ảo đó đã giúp tôi làm quen được với một số thân hữu đủ loại, nhiều người đến nay vẫn còn liên lạc và tiếp tục trao đổi những vấn đề học thuật khác. Thành thử, tôi được bằng hữu biết qua khả năng dịch truyện như một định hình cho bản thân, mặc dù cho đến nay tôi chưa xuất bản một dịch phẩm nào về mặt kiếm hiệp cả. Những bản dịch đó tuy không còn tồn tại trên trang mạng Việt Kiếm nhưng vẫn xuất hiện trên internet, kể cả một vài nơi không đề tên người dịch hoặc đề một cái tên khác.
Cũng trên trang Việt Kiếm, cùng thời gian đó tôi thỉnh thoảng kèm theo một biên khảo ngắn, thường chỉ độ mươi trang, được thực hiện trong những kỳ nghỉ giữa hai học kỳ, chủ yếu là dùng tài liệu tại những thư viện địa phương và sách vở có sẵn trong nhà. Mục tiêu sơ khởi của những bài viết ngắn này là nhằm dùng như những phụ lục chêm vào trong bản dịch một khi có điều kiện xuất bản. Vào thời đó, mạng lưới internet chưa phong phú như ngày nay, việc chêm thêm chữ Hán cũng đầy gian nan vì phải dùng một số phần mềm (software) nay đã thất truyền như NJStar, TwinBridge.
Những biên khảo viết vội ấy bị hạn chế với thời gian, không gian của vài chục năm trước nhưng cũng được một số thân hữu trẻ ưa thích vì đưa ra một số chi tiết mới mẻ hơn sách vở thông thường, mặc dầu cũng có những bất cập về tài liệu cũng như do bản thân người viết.
Đáng lẽ những công trình nho nhỏ kia còn tiếp tục vì truyện kiếm hiệp Kim Dung luôn luôn có những tình tiết liên quan chặt chẽ đến văn hóa và lịch sử Trung Hoa, bước chân vào như đi thăm một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, dễ bị lẫn lộn và mê hoặc của thực và giả. Tiểu thuyết bao giờ cũng dẫn dụ chúng ta vào một không gian tưởng tượng và luôn luôn phải từ bỏ cái thế giới thực mà đi vào một thế giới ảo đầy nghịch lý đáp ứng cho con người huyễn mộng ở trong mình. Tuy nhiên, khi ngưng việc dịch kiếm hiệp, việc thực hiện những công trình đó cũng gián đoạn theo.
Văn minh Trung Hoa là một nền văn minh của biểu tượng, mọi suy nghĩ đều hàm tàng cái lý lẽ âm dương, ngũ hành… được chấp nhận như những định đề tiên khởi trước khi sang bước kế tiếp. Không chấp nhận cái hình nhi thượng bị áp đặt đó thì cả một tòa lâu đài văn hóa của họ đều sụp đổ. Nho, y, lý, số chẳng qua chỉ là hệ luận của dịch học mà người ta đem trí tưởng tượng ra để nhìn cái thực thể vật chất bằng cái lăng kính vô hình. Những học thuật tưởng như có màu sắc, hơi hướm thực nghiệm như y khoa, lý số, tướng thuật, võ công… nếu đi sâu cũng lại chỉ là những suy luận trừu tượng mà để cho thêm phần huyền bí đã được gán cho kế thừa từ một vị tổ sư với vẻ dáng thần tiên.
Sau bản in lần đầu năm 2002, bản hôm nay tuy chủ yếu vẫn là từ bản cũ, chúng tôi cũng thêm bớt một số biên khảo, tùy bút, dịch thuật… vốn rải rác trong số các bài viết nho nhỏ được hoàn thành thường là không mang theo một mục đích nào cả. Chính vì thế, xin độc giả khi đọc tập sách này chỉ nên coi đây là những tư liệu giải trí trong những khoảng thời gian cần một chút thanh thản để trốn ra khỏi cái không gian nặng nề của cuộc đời, khác hẳn với những công trình biên khảo về lịch sử của người viết.
Cũng nhân đây, người viết xin tri ân hai vị bằng hữu vong niên rất thân thiết, TS. Trần Đức Anh Sơn và bạn Huỳnh Trung Kiên đã bỏ nhiều công lao đọc, sắp xếp và hiệu đính lại một số sai sót trong tập sách này. Quyển sách cũng không thể đến tay độc giả nếu không có sự giúp sức của Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ trong việc trình bày, in ấn và phát hành. Xin trân trọng cảm ơn tất cả quý vị.