Khi Tanizaki ca tụng bóng tối
Bóng tối mà Junichiro Tanizaki đề cập đến trong cuốn Ca tụng bóng tối (bản dịch của Trịnh Thùy Dương) chẳng phải là ẩn dụ về sự ám muội, đen tối xấu xa như thường được hiểu. Ở đây, nó vừa mang ý nghĩa cụ thể, trực tiếp để chỉ những khoảng tối trong một căn phòng, một ngôi nhà cổ kiểu Nhật, đồng thời nó được mở rộng ngữ nghĩa để nói về những biểu hiện của một vẻ đẹp thanh đạm, ẩn chìm, sâu lắng, gợn màu thời gian trong nhiều vật dụng bình thường, trái ngược hẳn với vẻ sáng chói, rực rỡ mà con người thời hiện đại thường ưa chuộng. Một cách nói hình tượng, hàm nghĩa sâu sắc của một nhà văn hàng đầu nước Nhật như Junichiro Tanizaki (1886-1965).
Nhưng vì sao lại ca tụng? Có lẽ với Junichiro Tanizaki cùng rất nhiều thế hệ người Nhật, chính là vì nó thể hiện tính cách và tâm hồn người Nhật; nó đẹp và mang lại niềm khoái cảm cùng sự bình yên; nó là giá trị văn hóa truyền thống đang dần dần bị mai một trước sự thâm nhập ồ ạt của văn minh kỹ thuật phương Tây.
Quả vậy, Ca tụng bóng tối là tập tản văn đầy chất thơ, mà ở đó, bằng cái nhìn vô cùng nhạy cảm, tinh tế, khả năng liên tưởng phong phú, và một niềm say mê hết mực, tác giả đã dành nhiều trang để mô tả vẻ đẹp độc đáo, bí ẩn, nương vào chiều sâu của “bóng tối” trong lối kiến trúc, trang trí, chế tác vật dụng, nghệ thuật sân khấu, ẩm thực… truyền thống Nhật. “Bóng tối” ấy chỉ có thể hòa hợp với thứ ánh sáng đã được lọc bớt độ chói gắt để trở nên mờ đục, êm dịu, hoặc là sự tỏa sáng lung linh huyền ảo từ những chiếc đèn lồng, những ngọn nến.
Chẳng hạn, đây là vẻ đẹp của môt căn phòng Nhật truyền thống: “… Vẻ đẹp của một căn phòng Nhật tùy thuộc vào sự biến đổi của bóng tối, chỗ tối đậm bên cạnh chỗ tối nhạt – ngoài ra không có gì cả (…) Ánh sáng mờ mờ từ ngoài vườn lẻn vào qua lớp cửa dán giấy; và chính thứ ánh sáng gián tiếp này tạo nên sự duyên dáng cho căn phòng. Chúng ta chọn tông màu trung tính (màu cát – NV) cho tường để cho thứ ánh sáng buồn bã, yếu ớt, sắp tắt này có thể chìm vào sự yên tĩnh tuyệt đối.” Hoặc ngắm một bộ đồ ăn bằng sơn mài đen hoặc nâu đỏ trong ánh sáng mờ mờ của giá nến, tác giả khám phá ra từ lớp nước bóng của sơn mài “một vùng sâu và thăm thẳm như một hồ nước lặng lẽ trong bóng tối”. Và còn nhiều nữa: lớp gỉ đồng tối màu xám xì trên chiếc ấm trà hoặc bình đựng rượu sake gợi nét cổ vật, nhắc đến quá khứ; màu trắng mờ của giấy shoji thủ công dán ở cửa trượt không phản chiếu mà thẩm thấu ánh sáng dịu dàng “như là bề mặt mịn màng của tuyết rơi đầu tiên”… và thật bất ngờ, đó còn là sự yên tĩnh của nhà vệ sinh kiểu truyền thống Nhật (thường đặt cách xa nhà, ở trong vườn) với nguồn sáng mờ mờ qua cánh cửa trượt dán giấy và “các bức tường gỗ nổi lên những thớ gân tinh vi, nhìn ra bầu trời xanh với lá xanh rầm rì”.
Bảo rằng tác giả là người theo chủ nghĩa duy mỹ cũng không phải là quá lời. Nhưng thực ra, với người Nhật, ngay cả những việc bình thường như uống trà, cắm hoa… cũng được tôn lên thành một thứ đạo kia mà (trà đạo, hoa đạo…) Và với một truyền thống mỹ cảm như vậy, thật khó bằng lòng với một không gian nội thất sáng choang với rất nhiều đèn điện xua sạch bóng tối mọi ngõ ngách, cùng với nhưng đồ vật trắng loá, không một chút vết mờ, không gợn dấu thời gian. Đọc Ca tụng bóng tối, ta cảm thấy chất duy mỹ rất sâu đậm, và từ đó càng hiểu thêm quan niệm thẩm mỹ, về văn hóa và nghệ thuật sống của người Nhật.
Tuy vậy, tác giả có lúc phân trần “không phải là ghét tất cả những gì chói sáng” mà chỉ báo động về sự quá lạm ánh sáng đèn điện thời nay: “đèn điện đã làm tê liệt con người đến nỗi chúng ta trở nên hoàn toàn vô cảm với sự chiếu sáng quá mức” (nếu tác giả còn sống đến nay hẳn sẽ nói thêm về sự vô cảm trước cái nạn âm thanh khủng khiếp!). Rốt lại, ca tụng bóng tối chỉ vì “ưa chuộng vẻ đẹp trầm ngâm hơn là vẻ rực rỡ nông cạn”.
Đi tìm căn nguyên của mỹ cảm “bóng tối” này, Junichiro Tanizaki cho rằng chính do điều kiện khí hậu và vật liệu xây dựng mà người Nhật xưa kia phải xây ngôi nhà với mái ngói hay mái rạ nặng nề đổ bóng tối che phủ các cấu trúc bên dưới. Và vì buộc phải sống trong những căn phòng tối như vậy, họ đã khám phá ra vẻ đẹp của bóng tối. Điều này, theo tác giả, chịu sự chi phối từ cái triết lý sống của người phương Đông nói chung, đó là “xu hướng tìm thấy sự hài lòng” trong bất kỳ môi trường sinh sống nào, thay vì tìm mọi cách để cải tạo nó như người phương Tây.
Năm 1933, thời điểm mà cuốn sách này ra đời, sự háo hức Tây phương hóa đã đặt văn hóa truyền thống Nhật trong tình trạng bị lấn át: đèn điện dùng đến mức lãng phí, các loại máy móc, thiết bị và các vật dụng sản xuất công nghiệp từ phương Tây được du nhập và dùng phổ biến ở Nhật. Nhà duy mỹ Tanizaki một mặt thừa nhận việc tiếp thu kỹ thuật, công nghiệp Tây phương dẫn đến những bước tiến xa trên “con đường vật chất”, nhưng mặt khác, ông cũng nói đến những hụt hẫng, mất mát không bù đắp được và cho rằng nếu “được để yên” thì có thể tiến chậm hơn nhưng “được đi theo con đường phù hợp”, khi ấy người Nhật sẽ không phải dùng những thứ máy móc, vật dụng đi mượn của phương Tây, mà làm ra những vật dụng, máy móc phù hợp với tính cách, tâm hồn và điều kiện sống mới của người Nhật.
Thật thú vị, một tập sách mỏng như Ca tụng bóng tối đã gây được tiếng vang lớn ở Nhật, được giới học giả phương Tây đánh giá cao. Charles Moore (Trường kiến trúc, Đại học California) trong lời dẫn cuốn sách này, đã viết: “Ở đây (trong nội dung cuốn sách), bóng tối đã thắp sáng cho một nền văn hóa rất khác biệt với chúng ta; đồng thời khiến chúng ta phải nhìn sâu hơn cách chúng ta sinh sống trong thế giới của mình”. Với những người làm văn hóa, những nhà thiết kế kiến trúc ở phương Đông, nó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, rằng: hiện đại hóa không phải là chuyện học đòi mù quáng mọi thứ tiến bộ vật chất của phương Tây và rằng những gì thuộc về văn hóa đã được sàng lọc và tồn tại qua hàng nghìn năm luôn mang giá trị tinh thần và vẻ đẹp riêng của nó – ngay cả ở một ấm trà cũ, một loại giấy làm thủ công hay trong cách điều hòa sáng - tối một ngôi nhà.
Ngày nay, ở nước Nhật hiện đại, các tiến bộ khoa học công nghệ du nhập vào Nhật đều được cải biến và sáng tạo thêm cho phù hợp, và như dịch giả cho biết, không ít công trình xây dựng, kiến trúc ở Nhật đều điều chỉnh độ sáng vừa phải, có nhiều khoảng tối dễ chịu; các nhà hàng vẫn dọn món mì misô trong những chiếc bát gỗ sơn mài đen truyền thống chứ không phải trong bát sứ.
--------------------------------
(*) Ca tụng bóng tối, NXB Tổng hợp TPHCM, 112 trang, giá 80.000 đồng.
Công Thắng