Lịch sử quan hệ quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu khá nhiều, nhất là trong những thập niên gần đây. Trong đó, nghiên cứu về chính sách “đóng cửa” và “mở cửa” của các quốc gia Đông Nam Á từ cuối thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX là một hướng đi mới được chúng tôi triển khai nhằm tìm hiểu các khuynh hướng, các kiểu ứng xử của các chủ thể chính trị Đông Nam Á đối với các cường quốc phương Tây, đồng thời nêu lên đặc điểm, hệ quả của những chính sách đó đối với các quốc gia này. Vấn đề “đóng cửa” và “mở cửa” đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử thế giới, nhưng đặc biệt diễn ra sôi nổi từ sau các cuộc phát kiến địa lý của các nước phương Tây. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với các nước phương Tây mà đại diện là các công ty Đông Ấn diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực thương mại và truyền giáo, còn vấn đề chủ quyền, an ninh lãnh thổ chưa được đặt ra bức thiết như giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX, khi các nước phương Tây tăng cường xâm chiếm và tranh giành thuộc địa, ảnh hưởng ở khu vực này. Đến giữa thế kỉ XIX, đặc biệt từ sau sự kiện Trung Quốc bị thất bại trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện với Anh (1840 -
8
1942), đã đặt ra một vấn đề trong quan hệ đối ngoại của các quốc gia Đông Nam Á. Đó là tiếp tục thần phục và đi theo mô hình phong kiến Trung Quốc hay rẽ nhánh để đi theo mô hình phương Tây, “xa lạ”, “khác biệt” nhưng đã đạt được nhiều thành tựu nổi trội về kinh tế, khoa học - kỹ thuật... Đứng trước tình hình đó, dù các nước Đông Nam Á đi theo khuynh hướng nào đi nữa cũng cần có sức mạnh của phương Tây để bảo vệ đất nước, khi Trung Quốc “thiên triều” đã không tự bảo vệ được chính mình. Chính trong bối cảnh đó các nước Đông Nam Á đã phải thực hiện chính sách “đóng cửa” hoặc “mở cửa” hay sự kết hợp giữa hai phương thức đó để bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Qua nghiên cứu chúng tôi phân chia các quốc gia Đông Nam Á thành hai nhóm nước “đóng cửa” và “mở cửa” nhưng thực ra ranh giới này chỉ là tương đối vì không có nước nào hoàn toàn “đóng cửa” hay hoàn toàn “mở cửa”.