Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) là một trào lưu văn hóa liên ngành, ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ XX tại Tây Âu và Bắc Mỹ, sau đó phát triển lan rộng sang các khu vực còn lại của thế giới. Với tính chất liên ngành và sự thâm nhập, ảnh hưởng đa dạng trong triết học, khoa học, nghệ thuật và thực tiễn xã hội, chủ nghĩa hậu hiện đại có nhiều diện mạo khác nhau, có thể dễ dàng bắt gặp khá nhiều lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác nghệ thuật, thực tiễn xã hội đi kèm với khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại hoặc hậu hiện đại, chẳng hạn chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học, trong kiến trúc, trong hội họa, trong điệnảnh, trong các khoa học xã hội và nhân văn, trong triết học, trong thực tiễn chính trị, văn hóa, giáo dục, lối sống.v.v.. Nếu cho từ khóa “postmodernism” vào trang tìm kiếm của Google thì trong 0,05 giây, khoảng 2.670.000 địa chỉ có liên quan được tìm thấy. Điều này cho thấy có sự quan tâm khá lớn đối với chủ nghĩa hậu hiện đại từ nhiều góc độ Trong lĩnh vực khoa học, chủ nghĩa hậu hiện đại ngay từ khi xuất hiện cho đến nay, đã có sự phát triển và ảnh hưởng khá rộng tới các khoa học xã hội và nhân văn, thực tiễn xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới(1). Bên cạnh đó, nó còn là chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong triết học và khoa học phương Tây vào những năm cuối của thế kỷ XX. Trong số các nội dung tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, theo chúng tôi, tư tưởng nhận thức luận đóng vai trò cơ sở và chủ đạo, chúng là cốt lõi lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, và cũng là chủ đề chính của đa số các cuộc bànluận và tranh cãi giữa chủ nghĩa hậu hiện đại với các trường phái triết học và khoa học khác. Chính vì thế nghiên cứu các vấn đề nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ giúp nhận diện một cách đầy đủ, sâu sắc hơn về chủ nghĩa hậu hiện đại, sự ảnh hưởng của nó trong khoa học và đời sống hiện nay. Các tư tưởng nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại qua các công trình của các triết gia hậu hiện đại được trình bày chưa mang tính tập trung và chưa được luận giải, làm sáng tỏ một cách đầy đủ; bởi vì thứ nhất, các triết gia hậu hiện đại thường có khuynh hướng phi hệ thống hóa các lý thuyết của họ; và thứ hai, họ không có ý định trình bày tư tưởng của mình trong khuôn khổ chung của trường phái vì trào lưu triết học hậu hiện đại không tồn tại như một trường phái mà như một khuynh hướng tư duy. Nội dung nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại hình thành và phát triển dưới sự phê phán chủ nghĩa hiện đại từ nhiềugóc độ, nhiều chủ đề, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Do đó, nhu cầu hệ thống hóa, luận giải, làm sáng tỏ các tư tưởng nhận thức luận của chủ nghĩa hậu hiện đại là cần thiết đối với sinh hoạt học thuật hiện nay. Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với các khoa học xã hội và nhân văn ở góc độ phương pháp luận nghiên cứu đã mở ra nhiều cách tiếp cận và hướng đi mới, nhiều công trình nghiên cứu theo hướng này đã được thừa nhận rộng rãi, có giá trị trong giáo dục học, tâm lý học, khoa học tổ chức và quản trị, đạo đức học v.v... Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng tới tư duy và lối sống của các xã hội phát triển và đang phát triển, biểu hiện đa dạng ở các hoạt động thực tiễn như chính trị, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, đạo đức v.v... Trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào đời sống văn hóa, kinh tế giáo dục, chính trị toàn cầu, chủ nghĩa hậu hiện đại chắc chắn sẽ có ảnh hưởng và tác động ít nhiều đến tư duy và lối sống của giới trẻ, đến hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tác nghệ thuật, hoạt động văn hóa ở nước ta hiện nay và trong tương lai. Quyển sách này là công trình nghiên cứu tiếp theo từ quyển thứ nhất “Chủ nghĩa hậu hiện đại”, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006. Ý định của tác giả là tiếp tục đào sâu nghiên cứuvề chủ nghĩa hậu hiện đại thông qua các vấn đề nhận thức luận của nó, do vậy, một vài nội dung ở chương 01 của quyển sách này có sự kế thừa từ quyển thứ nhất. Để quyển sách này có thể đến tay bạn đọc, tác giả đã nhận được những ý kiến đóng góp có giá trị từ các nhà khoa học: GS, TS. Nguyễn Hùng Hậu (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia); PGS,TS. Đỗ Minh Hợp (Viện Triết học); PGS, TS. Trịnh Doãn Chính; PGS, TS. Trương Văn Chung; PGS,TS. Vũ Văn Gầu; PGS, TS. Nguyễn Thế Nghĩa; TS. Hồ Anh Dũng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh); PGS, TS. Nguyễn Thanh (Đại học CôngNghiệp thành phố Hồ Chí Minh); PGS, TS. Lương Minh Cừ (Đại học Tài chính - Marketing thành phố Hồ Chí Minh); TS. Nguyễn Ngọc Khá (Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh). Đặc biệt là PGS, TS. Phạm Đnh Nghiệm và PGS, TS. Đinh Ngọc Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) đã có những chỉ dẫn sâu sắc, những sự động viên, khích lệ, hỗ trợ quý báu cho tác giả trong suốt quá trình thực hiện công trình nghiên cứu này. Quyển sách này sẽ khó ra đời nếu không có sự giúp đỡ vô cùng quý giá về tư liệu, giúp ích cho việc nghiên cứu của tác giả từ nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Qua đây, tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả Sau cùng, với những hạn chế của điều kiện khách quan lẫn năng lực chủ quan của tác giả, công trình này không thể tránh khỏi có những thiếu sót, hạn chế Tác giả mong nhận được những đóng góp, trao đổi từ các độc giả, các nhà khoa học.
Tác giả