Trong tác phẩm Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954), phần nói về công việc tổ chức nền hành chánh của người Pháp trên địa bàn các tỉnh, vì khuôn khổ nội dung có hạn của các chương mục, tôi chỉ nói được một cách đại cương, không thể đi vào chi tiết. Do đó có một số tư liệu chưa dùng đến, mà tôi cho là rất quý, cần thiết và hữu ích cho những bạn đọc muốn biết cụ thể hơn, nếu không công bố thì uổng quá.
Đó là những văn kiện ghi nhận quá trình sắp xếp, điều chỉnh lại ranh giới và tên gọi các đơn vị hành chánh từ cấp làng xã đến cấp quận tỉnh từ đầu thời Pháp thuộc để có được một hệ thống mà ngày nay đa số vẫn còn tồn tại. Số văn kiện này thuộc loại quý hiếm, sẽ giúp ích rất nhiều cho các tỉnh trong việc biên soạn tiến trình thành lập và phát triển các đơn vị hành chánh qua từng giai đoạn lịch sử liên tục của tỉnh...Những văn kiện bổ dụng các chức vụ đứng đầu mỗi tỉnh suốt thời gian người Pháp cai trị đất Nam Kỳ, rất hữu ích cho những người muốn tra cứu, tìm hiểu những quan chức người Pháp đã gây nên những việc không tốt hay đã làm những việc phúc lợi cho dân ta trong thời gian họ trấn nhậm...Những văn kiện liên quan đến việc quy hoạch đường sá đi khắp các vùng nông thôn, mà ngày nay chúng ta đang sử dụng và cải tạo, mở rộng, nâng cấp thành những đường giao thông trải nhựa hay tráng xi măng, rất tiện lợi cho việc lưu thông của đủ loại xe cộ cơ giới văn minh.
Vào mấy năm đầu của thập kỷ 1900, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã biên soạn và ấn hành các tập Địa phương chí bằng chữ Pháp (Monographie) cho từng tỉnh Nam Kỳ. Vì là loại sách phổ thông, lại viết vào giai đoạn đầu của thời kỳ Pháp thuộc, nên nội dung giản lược, tư liệu nghèo nàn, nhất là phần nói về quá trình thành lập của tỉnh rất sơ sài. Rất tiếc là hiện nay chỉ duy nhất Thư viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ được trên 10 tập trong số 20 tập mà đều là bản sao chụp, thiếu rất nhiều tỉnh. Đó là một thiệt thòi rất đáng tiếc cho những nhà nghiên cứu, cần phải có một công trình biên khảo nào để bổ sung.
Xuất phát từ những suy nghĩ và nghiên cứu đó, tôi tập hợp các văn kiện nói trên vào một tập biên khảo để bổ sung cho tác phẩm Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954) đã được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, và các tập Monographie bị thất lạc đồng thời bổ sung thêm tư liệu những tập Monographic hiện còn, đặt tên là Địa lý hành chánh các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859 -1954).
Trích Lời nói đầu
sách Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ
thời Pháp thuộc (1859-1954)