Một quốc gia cổ đại sẽ có nền nghệ thuật cổ đại, trong hàng ngàn năm lịch sử Trung Quốc, nghệ thuật điêu khắc đã thể hiện diện mạo vô cùng phong phú. Do có lịch sử lâu đời nên các loại hình văn hóa có nhiều thay đổi, sự khác biệt địa lý khu vực cũng rất rõ ràng, Nghệ thuật điêu khắc cổ đại của Trung Quốc không thể tóm lược khái quát bởi một vài loại hình một cách đơn giản. Trong nghệ thuật điêu khắc, khái niệm xác lập phong cách Trung Quốc hoàn toàn không phải chỉ đơn thuần là "xây móng thì xong nhà" hay là "đã hoàn thiện thì không thay đổi", mà đó là sự phát triển và biến hóa liên tục không ngừng cùng với dòng chảy của thời đại và quá trình vận hành phát triển của nền văn hóa. Sự phát triển của ngành điêu khắc Trung Quốc luôn có mối liên quan mật thiết với bối cảnh thời đại, nghệ thuật điêu khắc dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của thời cuộc hơn so với nghệ thuật hội họa, sự thăng trầm của nghệ thuật điêu khắc luôn đồng hành với tình thế thịnh suy của đất nước. Nghệ thuật điêu khắc đời nhà Thương và nhà Chu chú trọng tính uy nghiêm và tính lễ giáo (1600 - 221 TCN); những tác phẩm điêu khắc khí thế hào hùng và nổi bật đa phần có nguồn gốc từ đời nhà Hán (206 TCN - 220 CN) và đời nhà Đường (618 - 907). đây chính là thời đại của sự tự tin và phong phú. những tác phẩm tượng phật mang đậm màu sắc tôn giáo, chú trọng về mặt tinh thần đa số lại được chế tác trong thời kỳ Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều (265 - 589). Những tác phẩm tinh xảo, nhỏ gọn, khép kín và mang khí chất trung hòa có xuất xứ từ đời nhà Tống (960 - 1279); và tác phẩm điêu khắc của thời kỳ nhà Minh - nhà Thanh lại mang màu sắc sặc sỡ và hoa lệ thể hiện cảm xúc của thế tục.
Nghệ thuật điêu khắc của Trung Quốc xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ đồ đá mới. những tác phẩm điêu khắc chứa đựng sự chất phác và giản dị, phần nhiều có liên quan mật thiết với thuật đồng cốt thời nguyên thủy. chẳng hạn như nghệ thuật trưng bày và xếp đá thành đống trong huyệt mộ của người nguyên thủy, cũng như một số tượng hình cơ thể phụ nữ bằng đất nặn hoặc gốm nung. Sự xuất hiện của chúng đều có những mối liên quan nào đó với tín ngưỡng tâm linh của con người thời nguyên thủy, và xét trên phương diện ý nghĩa cũng có giá trị sử dụng nhất định. Những tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật điêu khắc thời nguyên thủy chủ yếu tập trung trên những tác phẩm đồ gốm nung và điêu khắc cẩm thạch, thường là sự kết hợp giữa hình người và vật dụng. Nếu nhìn những tác phẩm này từ góc độ là một vật dụng từ một số tác phẩm có kích thước khá lớn; nhìn từ góc độ là vật điêu khắc, lại thuộc những sản phẩm có kích thước nhỏ bé. Mặc dù vậy, những tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật này, đã thể hiện được nét đặc trưng trừu tượng trong thời kỳ ban đầu của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc.
Sau khi bước vào thời kỳ chế độ xã hội nô lệ, nghệ thuật chế tác gốm dần dần được thay thế bằng công nghệ đúc đồng thau, các tác phẩm điêu khắc chủ yếu là các chế phẩm đồng thau. Nét tương đồng với thời kỳ nguyên thủy là nghệ thuật điêu khắc đời nhà Thương và nhà Chu cũng không xuất hiện đơn độc, chúng vẫn chỉ là một bộ phận trong khâu tạo hình của vật dụng, rất hiếm thấy những tác phẩm điêu khắc thật sự. Ý nghĩa văn hóa của nghệ thuật điêu khắc đồng thau trong thời kỳ này chính là sự nhấn mạnh về tín ngưỡng tâm linh. Việc tuân thủ tín ngưỡng và lễ chế đối với quỷ thần, khiến cho các tác phẩm điêu khắc đồng thau của đời nhà Thương, nhà Chu tràn đầy những "Bộ mặt dữ tợn", nhìn vào là có cảm giác tạo áp lực và sợ hãi. Tại thời điểm này, xét về mặt nghệ thuật, thành tựu nghệ thuật quan trọng nhất chính là những hoa văn trang trí tính xảo, chúng phản ánh sự điêu luyện và tinh xảo trong công nghệ đúc đồng thau của Trung Quốc và ngôn ngữ tạo hình độc đáo, đặc sắc của người Trung Quốc...