Sau 30 năm Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng đã phát triển mạnh mẽ và đạtnhiều thành tựu to lớn.Tuy nhiên, hiện nay ngành Du lịch nước ta còn bộc lộ nhiều yếu kém và tăng trưởng chậm so với một số nước ASEAN.
Từ nay đến năm 2030, nước ta phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra (1).
Như vậy, ngành Du lịch Việt Nam phải gấp rút giải quyết những vấn đề thực tiễn như: ô nhiễm môi trường, thái độ ứng xử với du khách, xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật, xây dựng sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế v.v.. Đồng thời, ngành Du lịch cần tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về du lịch học, văn hóa du lịch, quản trị du lịch để làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển du lịch
bền vững.
Lý thuyết và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng. Lý thuyết đúng đắn sẽ soi đường cho thực tiễn phát triển. Ngược lại, thực tiễn sẽ bổ sung và làm phong phú lý thuyết. Hiện nay, ngành Du lịch nước ta rất cần nghiên cứu và ứng dụng những lý thuyết về du lịch hiện đại để hoạt động du lịch thích hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong những năm qua, đã có một số nhà nghiên cứu về du lịch học, một số viện nghiên cứu, trường đại học đã tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế và trong nước về du lịch có giá trị về lý luận cũng như thực tiễn.
Trong quá trình quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học về du lịch ở các trường đại học và cao đẳng, chúng tôi đã suy nghĩ và viết một số bài về những lĩnh vực của du lịch. Để góp phần vào sự phát triển của ngành Du lịch nước ta trong thời kỳ Đổi mới, chúng tôi tập hợp những bài viết này trong chuyên luận Du lịch Việt Nam - Từ lý thuyết đến thực tiễn. Cuốn sách gồm 3 phần. Phần 1: Luận về du lịch học Việt Nam, tập hợp những bài viết mang tính chất lý luận về du lịch học nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng; Phần 2: Một số lĩnh vực Du lịch ở Việt Nam bao gồm những bài viết của chúng tôi về những vấn đề cụ thể của du lịch Việt Nam như: tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, về đào tạo, làng nghề v.v..; Phần 3: Một số thuật ngữ du lịch học cơ bản trình bày những thuật ngữ cơ bản về du lịch học và du lịch Việt Nam.
Chắc chắn những bài viết trong công trình này còn có thiếu sót, bất cập, đặc biệt là góc nhìn học thuật về du lịch và du lịch học. Rất mong quý bạn đọc chân thành góp ý để chúng tôi có cơ hội học hỏi thêm các vấn đề về du lịch học trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn.
Trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu xuân 2018
Các tác giả