Tôi gặp anh Trịnh Xuân Lạc lần đầu vào khoảng gần hè năm 1999 qua sự giới thiệu của anh Lê Văn Nhân là bạn cùng khóa với anh Lạc ở Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi những thông tin về tình hình thiết kế vi mạch trong nước và những dự định sắp tới ở Việt Nam của anh Lạc trên tầng 10 của tòa nhà Diamond Plaza, nơi lúc bấy giờ đang là cả “công trường” rất sôi nổi cho việc cải tạo để trở thành nơi làm việc của công ty Next Level Communications (NLC) Vietnam. Chúng tôi (Lạc, Nhân, Thường) đã dùng bữa trưa gọn nhẹ với nhau ngay trong tòa nhà và tôi vẫn còn nhớ câu hỏi đầu tiên với anh Lạc là “Anh đã khảo sát kỹ tình hình, thực trạng về lĩnh vực thiết kế vi mạch viễn thông tại Việt Nam chưa?” nhưng phần trả lời của anh Lạc chỉ tập trung vào mong muốn mãnh liệt của anh là tạo lập một bước đột phá về công nghệ vi mạch tại nước nhà. Khi ra về, điều đọng lại trong tôi là sự trân trọng và luôn chúc ý tưởng của anh sẽ thành hiện thực, dù tôi biết phía trước sẽ còn rất nhiều thử thách cũng như những thông số khách quan mà ngay cả tôi, anh Lạc và anh Nhân cũng chưa dự đoán được hết ngay ở thời điểm đó. Và đó cũng là thời điểm cho phép outsourcing của các công ty tại Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các công ty thiết kế sản xuất vi mạch ra các nước khác. Tôi cũng đã gặp gỡ và trao đổi, hợp tác với nhiều anh chị kỹ sư Việt kiều nhưng có lẽ dự án của anh Lạc là rõ nét và hiện thực nhất trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Qua hơn 20 năm đổi mới, chúng ta luôn chú trọng xây dựng, phát triển ngành công nghệ thông tin và đã gặt hái được nhiều thành tựu khi các hệ thống cũng như dịch vụ viễn thông ngày càng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu trong xã hội. Đội ngũ kỹ sư phần mềm và các sản phẩm phần mềm của Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế và chất lượng, tạo sự tin tưởng cao cho các đối tác và khách hàng trên thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm phần cứng vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Chúng ta gần như chưa tự thiết kế được các thiết bị cho hệ thống viễn thông và nhiều thiết bị điện tử khác có giá trị, đặc biệt là thiết kế vi mạch cho các thiết bị đó. Do vậy, việc đầu tư và phát triển ngành thiết kế vi mạch có thể là một suy nghĩ đúng, tuy nhiên sự cạnh tranh, tính hiệu quả kinh tế, nguồn nhân lực công nghệ cao đã và đang là những thông số đặc biệt cần phải được quan tâm cho sự thành công trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Thiết kế vi mạch là ngành công nghệ kỹ thuật cao đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và bài bản, trong đó nguồn nhân lực và sự kế thừa thành quả công nghệ là yếu tố quyết định. Các nước châu Á phát triển xa hơn chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… hiện có ngành công nghiệp thiết kế vi mạch phát triển với nguồn nhân lực rất mạnh về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong thời kỳ sơ khai, họ thu hút rất nhiều kỹ sư đang làm việc tại các công ty công nghệ của Hoa Kỳ quay về phục vụ cho việc xây dựng ngành công nghiệp vi mạch của riêng họ. Hướng đi này cũng hoàn toàn phù hợp với đất nước ta, và trong đó, anh Trịnh Xuân Lạc là một trong những người tiên phong trở về Việt Nam xây dựng ngành thiết kế vi mạch từ rất sớm.
Từ một cậu sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, anh Trịnh Xuân Lạc đã trải qua chặng đường dài làm việc và khẳng định mình tại nhiều tập đoàn công nghệ ở Úc và Hoa Kỳ với các sản phẩm vi mạch cho hệ thống viễn thông. Trong đó, anh đạt được 6 bằng sáng chế quan trọng trong kỹ thuật thiết kế vi mạch được công nhận tại Hoa Kỳ. Khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp, anh quyết định trở về Việt Nam với mong muốn gầy dựng ngành thiết kế vi mạch tại quê hương. Uy tín cao trong giới công nghệ tại Hoa Kỳ giúp anh dễ dàng kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ Hoa Kỳ. Từ đó, anh đã dùng hết năng lực, trí tuệ và nguồn tài chính của mình để đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư trẻ, cùng với họ phát triển nên các sản phẩm vi mạch kỹ thuật cao đang được sử dụng trong các thiết bị thế hệ mới nhất của các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới. Các công ty công nghệ khác từ đó cũng bắt đầu chú ý đến Việt Nam, người Việt thành danh từ nước Hoa Kỳ bắt đầu quay về Việt Nam làm việc. Các thế hệ kỹ sư do anh đào tạo ngày càng khẳng định mình trong ngành công nghệ không chỉ tại công ty do anh sáng lập ra mà còn tại các công ty công nghệ khác.
Hành trình trong cuộc đời của anh Trịnh Xuân Lạc là một chuỗi dài của sự phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ nhằm chinh phục các đỉnh cao trong thiết kế vi mạch và khẳng định bản thân mình trong môi trường cạnh tranh gắt gao nhất. Đó là tấm gương để nhiều thế hệ trẻ noi theo, là niềm tin để những người Việt thành danh khác mạnh dạn đầu tư về Việt Nam, là động lực để đội ngũ kỹ sư trẻ của chúng ta quyết tâm hơn nữa nhằm “ghi danh Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới” như anh đã nói.
Nhân dịp viết vài dòng cho lời giới thiệu quyển hồi ký của anh Trịnh Xuân Lạc, tôi muốn gửi đến anh lời trân trọng về ước nguyện đóng góp của anh cho đất nước và mong rằng niềm tin về sự thành công trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại quê hương của anh sẽ thành hiện thực.
TP.HCM, ngày 6 tháng 4 năm 2013
Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư - Tiến sĩ
LÊ TIẾN THƯỜNG
Khoa Điện - Điện Tử
Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM