Thưa bạn đọc!
Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam (éminent homme de culture du Viet Nam), góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội (contribuant à la lutte commune des peuples pour la paix, l’indépendance nationale, la démocratie et le progrès social).
Phạm Văn Đồng viết: “Để hiểu ý nghĩa của bản Nghị quyết của UNESCO, tôi hình dung Hồ Chí Minh là người đem lại ánh sáng, ánh sáng văn hóa, ánh sáng cách mạng cho nhân dân ta và góp phần đem lại ánh sáng cho nhân dân nhiều nước khác, để xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức… Trong những năm đi ra thế giới, xem xét cuộc sống, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến một xã hội mới, dân chủ, công bằng, nhân đạo, khác hẳn cái xã hội đầy rẫy áp bức, bất công ở Tổ quốc mình cũng như ở các nước khác, nghĩ đến một xã hội văn minh cho dân tộc mình và các dân tộc khác. Với ước mơ đó, ngay từ đầu cuộc đời cách mạng, Hồ Chí Minh đã hiểu tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống con người, đối với sự nghiệp giải phóng xã hội và canh tân đất nước, đối với việc xây dựng tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Từ tuổi thanh niên cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh luôn luôn hăng hái chiến đấu trên mặt trận văn hóa”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định rằng “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”.
Những đánh giá nêu trên phần nào cho ta thấy cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh với tư cách là một nhà văn hóa kiệt xuất. Cần phải khẳng định rằng ở Hồ Chí Minh có sự gắn kết, hòa quyện thống nhất giữa nhà chính trị, nhà nhân văn, nhà đạo đức, nhà văn hóa và nhà cách mạng chuyên nghiệp. Sự nghiệp cách mạng của Người nhằm bảo vệ những gì là tốt đẹp của văn hóa dân tộc và tiến bộ xã hội, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Ngược lại, sự nghiệp văn hóa là mục tiêu, nguồn sức mạnh, cũng là một động lực của sự nghiệp cách mạng.
Hơn sáu mươi năm từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm lịch sử, tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Người đã để lại “một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”. Di sản đồ sộ đó bao gồm ý nghĩa, vai trò, chức năng của văn hóa và các lĩnh vực văn hóa cụ thể như văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giáo dục, văn hóa văn nghệ, văn hóa pháp luật, văn hóa lãnh đạo quản lý… Nhận thức con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, thì phát triển văn hóa theo nghĩa sâu xa và đẹp đẽ nhất là phát triển tiềm lực của con người, động viên những nguồn lực vô tận của nhân dân, để xây dựng cuộc sống mới.
Về ý nghĩa của văn hóa, ngay từ tháng 8 năm 1943, Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Người khẳng định nền văn hóa dân tộc phải thể hiện được “tâm lý của dân tộc là tinh thần độc lập tự cường; luân lý của dân tộc là biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng; về xã hội là mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; về chính trị là dân quyền”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11-1946), Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh không chỉ mang lại sức mạnh to lớn cho dân tộc mà còn đem đến cho kho tàng văn hóa thế giới những giá trị lớn, thể hiện khát vọng của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh, vì vậy, là một sự nghiệp có ý nghĩa thời đại, tiêu biểu cho “nền văn hóa của tương lai” như nhà văn Xô Viết Ôxíp Manđenxtam nhận xét.
Bạn đọc thân mến!
Qua 30 năm nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đã có một số bài viết về văn hóa Hồ Chí Minh. Như trên đã nói, di sản Hồ Chí Minh về văn hóa là vô cùng phong phú, đồ sộ và cống hiến của Người về văn hóa là hết sức to lớn, thể hiện cả một trí tuệ, tầm vóc và tầm nhìn xa rộng, sâu sắc về văn hóa. Theo gợi ý của lãnh đạo Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tôi kết cấu một số bài viết của mình để hình thành bản thảo với tên gọi: “HỒ CHÍ MINH - VĂN HÓA SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI”. Cuốn sách được bố cục thành 4 chương: Chương 1: Văn hóa Hồ Chí Minh - Dân tộc và nhân loại Chương 2: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi Chương 3: Dưới ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh Chương 4: Thế giới tôn vinh nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh Hy vọng cuốn sách góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn, cách tiếp cận về nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ mấy chương sách, tác phẩm không thể chuyển tải hết những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh về văn hóa; đồng thời, sách tập hợp nhiều bài nghiên cứu nên khó tránh khỏi hạn chế như sự trùng lặp, hoặc nghiên cứu chưa đủ độ sâu của vấn đề. Tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc gần xa. Nhân cuốn sách đến tay bạn đọc, tác giả xin chân thành cảm ơn lãnh đạo, ban biên tập và cán bộ công chức, viên chức Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có gợi ý tốt để tôi có được ấn phẩm khoa học này. Đây cũng là cuốn sách thứ hai được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, mùa đông 2015
TÁC GIẢ