Quan niệm Kiêng và Cấm kỵ của người Việt chắc hẳn hình thành từ thời xa xưa, khi người Việt trải qua bao cuộc vật lộn sinh tồn, đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và cả những may rủi mà họ không sao giải thích được. Ẩn hiện qua tín ngưỡng, tâm lý, hiện hình thành những quy định trong phong tục, tập quán và tồn tại với một sức sống dai dẳng đến kỳ lạ, Kiêng và Cấm kỵ thể hiện một biểu trưng của văn hóa tộc người, là một tất yếu mang đậm dấu ấn của một dân tộc sống bằng nghề nông, phải trải qua nhiều cuộc chinh chiến chống ngoại xâm và chịu ảnh hưởng không nhỏ của nước láng giềng Trung Quốc.
Quan niệm Kiêng và Cấm kỵ của người Việt hiện hữu, nhiều khi là vô thức và có thể bắt gặp ở nhiều nơi, phổ biến trong các lễ nghi ở đền, đình, miếu, phủ, trong những ngày Tết thường niên, những ngày lễ hội và nghi lễ vòng đời người.
Quan niệm này trải qua bao thời gian vẫn được cộng đồng tuân thủ một cách tự giác với niềm kính tín và hy vọng vào sự may mắn, tránh mọi sự rủi ro. Cuộc sống sôi động hiện nay với khoa học và kỹ thuật phát triển,
có chăng chỉ đào thải một số kiêng kỵ trong cách hành xử ở tầng lớp trẻ nhưng đa phần, sự kiêng và cấm kỵ này cơ bản vẫn tồn tại, được chấp nhận với quan niệm "Có kiêng có lành". Chính quan niệm này
khiến nhiều người có trình độ văn hóa cao, hiểu biết song vẫn vui lòng và tự nguyện tuân thủ mọi quy định về kiêng kỵ đã được truyền thống bảo lưu. Đứng ở góc độ này, nhiều điều kiêng và cấm kỵ là có thể hiểu và chấp nhận được. Thực tế các địa danh trong sách đã có những thay đổi so với hiện nay, tuy nhiều điều kiêng và cấm kỵ đã trở nên không thích hợp nhưng sự tồn tại hữu hình và nhiều khi là vô thức của nó vẫn đáng để suy ngẫm về một trong những đặc điểm văn hóa của tộc người Việt trên con đường phát triển.