Chân dung 12 nữ nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (có 2/3 là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) được chọn in trong quyển sách Một chữ Tâm rưng rưng… là những nhà văn có đóng góp cho văn học và cho cuộc đời. Với khả năng văn chương khác nhau, mỗi nhà văn đã nỗ lực không ngưng nghỉ trong suốt hành trình sáng tạo của mình.
12 nhà văn có mặt trong quyển sách, cố nhà văn Minh Quân (1928 – 2009) mất đã gần 9 năm; nhà thơ quá cố Phương Đài (1933 – 2016) mất đã hơn 2 năm; nhà văn Vũ Thị Thường và nhà thơ Lê Giang cùng tuổi 88; nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tuổi đã trên 80; nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, nhà văn Thùy An, nhà thơ Trương Tuyết Mai, đều bước sang tuổi 75; nhà văn Kim Hài cũng đã 72 tuổi; hai người “trẻ” nhất là nhà thơ Đặng Nguyệt Anh và nhà văn Trần Thị Thắng cũng ở tuổi 70.
Nhà văn Minh Quân hơn nửa thế kỷ cầm bút, đã cho xuất bản hơn 40 đầu sách, vừa truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, truyện dịch và thơ. Nhà văn có những tác phẩm từng gây dấu ấn trong lòng người đọc, như Những ngày cạn sữa, Vượt đêm dài, Máu đào nước lã…
Nhà thơ Phương Đài với những bài thơ trong các tập Đất mẹ, Hiến lễ mùa thơ, Sợi mưa hồng, Thầm lặng yêu đời… đã đọng lại trong trí nhớ của không ít người yêu thơ. Vượt qua tù đày tra tấn, vượt qua biết bao nỗi nhọc nhằn, thơ Phương Đài vẫn là thơ của một tâm hồn đằm thắm, dịu dàng, từ tốn mà thiết tha.
Nhà văn Vũ Thị Thường có một bề dày đóng góp cho nền văn học Việt Nam. Năm 2007, bà được giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Tác phẩm của nhà văn Vũ Thị Thường được đưa vào chương trình giảng dạy văn học của nhà trường. Bà viết truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi và viết kịch. Nhiều tập truyện của nhà văn Vũ Thị Thường trở nên quen thuộc đối với nhiều thế hệ độc giả, như: Hai chị em, Vợ chồng ông lão chăn vịt, Vịt chị vịt em, Vết rạn…
Nhà thơ Lê Giang có đầu sách mới ở tuổi 88. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Lê Giang là tác giả hơn 20 đầu sách với nhiều thể loại, thơ, bút ký, điền dã, biên soạn, kịch bản phim tài liệu. Nhiều bài thơ của bà đã đi vào nhạc, vào phim. Bút ký và tản văn của Lê Giang còn mang hơi thở, cốt cách của người phương Nam. Ngôn ngữ thơ, văn của Lê Giang trau chuốt đến giản dị. Bà còn được biết đến là một nhà thơ điền dã và là người “tìm ngọc” từ kho báu ca từ, giai điệu của câu hò, lời ru… khắp mọi miền đất nước.
Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình và nhạc sĩ Trương Tuyết Mai “gặp” nhau bằng lời thơ, bằng giai điệu bài hát Huế - tình yêu của tôi đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Đỗ Thị Thanh Bình còn không ít bài thơ chứa chan nỗi niềm nhân thế như bài Huế - tình yêu được phổ nhạc. Thơ Đỗ Thị Thanh Bình vừa thủ thỉ chuyện riêng tư vừa gởi gắm những trăn trở, những suy tư đối với con người, cuộc đời và xứ sở.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương góp cho thi đàn một giọng thơ hồn hậu, chân thành. Thơ bà dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc. Lợi thế này khiến thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có được một lượng độc giả đáng kể.
Không ít người, kể cả bạn đọc đang sống ở nước ngoài, tìm đến thơ bà. Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương còn được một số đơn vị xuất bản in lên lịch, in vào sổ tay. Sức thuyết phục từ chữ “Tâm” trong thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vẫn tiếp tục tỏa lan.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết nhiều thể loại, nhưng gây ấn tượng nhất là ký sự nhân vật với nhiều đầu sách gây tiếng vang, được tái bản nhiều lần, như Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời…Với bề dày trải nghiệm của một nhà báo có tay nghề, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chọn cho mình những nhân vật có tầm vóc về trí tuệ, tâm hồn, đặc biệt là sự dấn thân vì đại cuộc, vì lý tưởng.
Nhà thơ Trương Tuyết Mai làm thơ như viết nhạc. Giàu cảm xúc, giàu giai điệu. Ngoài những tập thơ được xuất bản liên tục trong những năm gần đây, Trương Tuyết Mai còn cho ra mắt quyển tự truyện Lật từng mảnh ghép. Đọc “từng mảnh ghép”, người đọc có thể nhận ra đó còn là cuộc hành trình đầy chông gai của người nghệ sĩ đã luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhà văn Thùy An, nhà văn Kim Hài có những tương đồng. Cả Thùy An và Kim Hài, từ những năm 70 đã có sách in ở Nhà xuất bản Tuổi Hoa, viết kịch bản phim truyện từ tác phẩm của mình, có hàng chục đầu sách đã xuất bản, trong đó phần lớn là viết cho thiếu nhi. Và gần nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Thùy An, nhà văn Kim Hài vẫn nuôi dưỡng được niềm đam mê viết cho tuổi thơ.
Nhà thơ Trần Thị Thắng, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh cùng tuổi, cùng sinh ra trên đất Bắc rồi cùng vào Nam trong những ngày khói lửa. Nhà thơ Trần Thị Thắng viết nhiều và viết nhiều thể loại (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học…). Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh trung thành với một thể loại, thơ. Càng thêm tuổi, Trần Thị Thắng lại dành nhiều tâm sức và nỗi niềm cho những nhân vật lịch sử có cỡ kích lớn; còn Đặng Nguyệt Anh lại chưng cất cảm xúc cho những điều bé nhỏ từ mình, quanh mình và chạm được vào những day dứt, suy tư của con người và cuộc đời.
12 nhà văn, nhà thơ, 12 gương mặt, 12 tâm hồn với một niềm đam mê - đam mê chữ nghĩa và đam mê đem lại những gì tốt đẹp cho con người, cho cuộc đời, cũng từ chữ nghĩa.
12 chân dung nhà văn nữ trong quyển sách này, có thể nói, đúng như câu mà nhà thơ Lê Minh Quốc viết về nữ thi sĩ Phương Đài: “Một chữ Tâm rưng rưng…”, một chữ Tâm cho văn chương và cho cuộc đời.
HỘI NHÀ VĂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH