Về mặt lịch sử, triết học tôn giáo được xem như sự tiếp nối công việc của thần học tự nhiên, tách khỏi thần học mặc khải, nhằm chứng minh tính hợp lý của sự tồn tại của Thượng Đế và dẫn tới các tín điều mặc khải. Một thuật ngữ khác cũng thường được dùng theo nội dung này là biện giáo học. Triết học tôn giáo (giống như triết học khoa học, triết học nghệ thuật... ) là sự suy tư triết học về tôn giáo. Triết học tôn giáo không lệ thuộc các giáo huấn tôn giáo, người vô thần, người hữu thần, người bất khả tri đều có thể suy tư về tôn giáo. Từ những cách tiếp cận khác nhau, triết học tôn giáo không phải là một nhánh của thần học với tư cách là hệ thống cấu trúc các tín điều tôn giáo, mà là một nhánh của triết học. Triết học tôn giáo nghiên cứu một cách có hệ thống các khái niệm của tín điều tôn giáo, các hiện tượng đặc biệt của kinh nghiệm tôn giáo, các hoạt động thờ phụng, chiêm nghiệm. Triết học tôn giáo tồn tại độc lập với các tôn giáo nhưng có liên quan tới các tôn giáo, cũng như triết học pháp quyền liên quan đến các hiện tượng pháp lý, các khái niệm tư pháp, tương tự như vậy, triết học nghệ thuật với các hiện tượng nghệ thuật, các phạm trù, các phương pháp mỹ học. Triết học tôn giáo quan hệ với các tôn giáo và thần học riêng biệt như triết học khoa học với các ngành khoa học đặc thù. Triết học tôn giáo nghiên cứu các khái niệm như Thượng Đế, Cứu độ, Thờ phụng, Sáng tạo, Nghi lễ, Niết bàn, Sự sống vĩnh cửu .v.v... nhằm mục đích xác định bản chất các biểu hiện tôn giáo trong tương quan với cuộc sống đời thường, với các phát minh khoa học, với đạo đức, và với những biểu hiện sáng tạo của nghệ thuật. Có nhiều định nghĩa về tôn giáo phụ thuộc vào những cách tiếp cận khác nhau của tri thức về tôn giáo. Định nghĩa hiện tượng học nêu lên cái khái quát nhất, xem tôn giáo là sự thừa nhận của loài người về một Đấng Siêu Nhiên đầy quyền năng, một Thượng Đế nhân vị. Định nghĩa tâm lý học xem tôn giáo như “những xúc cảm, hành động và kinh nghiệm của con người cá nhân trong sự cô đơn của họ, trong phạm vi hiểu biết về tồn tại bản thân trong tương quan với thần linh” (William James). Định nghĩa xã hội học xem tôn giáo như “một hệ thống các tín điều, nghi thức,thiết chế con người đã sáng tạo ra nơi các xã hội khác nhau” (T.Parsons). Theo chủ nghĩa tự nhiên, tôn giáo là “gánh nặng lo âu cản trở con người thực thi quyền năng một cách tự do” (Salomon Reinach), hoặc tôn giáo là “đạo đức được thăng hoa bởi xúc cảm” (Matthew Arnold). Định nghĩa thuần túy tôn giáo cho rằng tôn giáo là “sự thừa nhận mọi thứ đều là biểu hiện của một sức mạnh vượt quá trí tuệ con người” (Herbert Spencer), hay là “tiếng đáp trả của con người đối với thần linh”. Sau cùng chủ nghĩa Mác xem tôn giáo như “... sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh, trong đónhững lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế... ”(C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, T.20, Nxb. CTQG, HN, 1995, tr. 437). Điểm chung của các định nghĩa nêu trên là ở sự quy định “nghĩa” của khái niệm và đặt vào hình thức của một định nghĩa. Hợp lý hơn, khái niệm “tôn giáo” không chỉ một ý nghĩa cụ thể nào đó, mà bao hàm nhiều hiện tượng khác nhau có mối tương quan như một gia đình. Điều này được gợi mở từ ý tưởng của Ludwig Wittgenstein về khái niệm “trò chơi”. Trong mạng lưới của sự trùng khớp nhau giữa các loại trò chơi luôn tồn tại cái tương đồng và cái khác biệt, Wittgenstein đồng nhất sự tương đồng và khác biệt này với cái tương đồng và khác biệt của một gia đình. Nhiều tôn giáo giống nhau ở chỗ thờ phụng một hoặc nhiều vị thần, nhưng Phật giáo tiểu thừa không có điểm này. Các tôn giáo thường góp phần vào sự gắn kết xã hội, nhưng một số trường phái lại chủ trương thoát ly xã hội. Chủ nghĩa Mác cho rằng, xét đến cùng mọi tôn giáo, dù gắn kết với xã hội hay thoát ly khỏi xã hội, đều có cơ sở xã hội nhất định. Theo Mác, bản thân tôn giáo thể hiện khát vọng giải thoát của con người khỏi những ràng buộc phi nhân tính của xã hội. Tôn giáo có thể mang tới sự hài hòa nội tâm cho cá nhân, nhưng các nhà cải cách tôn giáo thường bị xem là không bình thường, bệnh hoạn. Mô hình sự tương đồng nơi một gia đình cho phép tồn tại các dị biệt như vậy, vì thế, nó gợi mở sự chấp nhận các tương đồng và dị biệt giữa các mô hình tôn giáo và những niềm tin thế tục vào các trào lưu chính trị. Trong hệ thống phân nhánh các tương đồng trong gia đình tôn giáo có một đặc điểm phổ biến là quan tâm đến vấn đề cứu độ, giải phóng. Các tôn giáo lớn trên thế giới đều có tính cứu độ, nó đưa ra sự chuyển tiếp từ trạng thái đau khổ sang trạng thái tốt đẹp. Với tính chất cứu độ, các tôn giáo đến với Đấng tối hậu bằng niềm tin đáp lại những ơn huệ thần linh, bằng sự hiến thân cuộc đời cho Thượng Đế,bằng kỷ luật thiêng liêng để dẫn tới giác ngộ và giải phóng, điều này mang lại một trình độ tồn tại mới tốt đẹp hơn. Tóm lại, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và nhận thức, từ chính trị, pháp quyền, đạo đức đến ngôn ngữ, toán học, sinh học, vật lý,... lĩnh vực tôn giáo cũng cần được phân tích dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận triết học, nói khác đi, cần được khái quát ở cấp độ triết học. Quyển sách này là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm giới thiệu các nhánh triết học ứng dụng đang phát triển mạnh mẽ hiện nay ở phương Tây với bạn đọc Việt Nam. Nó là sản phẩm được biên soạn từ quyển “Philosophy of Religion” của triết gia tôn giáo nổi tiếng John H. Hick,Prentice-Hall of New Delhi xuất bản năm 1987. Chắc chắn rằng quyển sách này không thể tránh khỏi những sai sót, tác giả mong nhận được sự góp ý, trao đổi từ bạn đọc.