Lịch sử hơn 300 năm khai mở vùng đất Nam bộ chưa phải là dài so với mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc. Song người dân Nam Bộ hoàn toàn có thể tự hào khi nói về kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng mà lớp lớp cư dân sinh sống trên vùng đất này đã sáng tạo nên, trong đó có kho tàng sự tích và giai thoại dân gian.
Cuốn sách Nghìn năm bia miệng mà quí độc giả đang cầm trên tay là sưu tập công phu và tương đối đầy đủ về kho tàng các sự tích và giai thoại dân gian được sáng tác, lưu truyền trong suốt hành trình hơn 300 năm khai phá, dựng xây và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Đó là những câu chuyện về buổi đầu lưu dân người Việt đặt chân tới vùng đất hoang vu “cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”. Những chuyện đánh cọp, diệt sấu, bắt rắn cho thấy tài trí và bản lĩnh của những người đi mở cõi; song song với đó là câu chuyện bầu cọp làm Hương cả giúp ta thấy được cuộc sống của ông cha thuở trước, vừa phải chống chỏi vừa tìm cách thích ứng, hòa hợp với thiên nhiên khắc nghiệt. Nối tiếp là mạch truyện về thời kháng Pháp với những anh hùng Trương Định, Thủ khoa Huân… và biết bao chàng trai, cô gái mà ngày nay chúng ta chẳng biết mặt biết tên, với giáo mác, tầm vông vạt nhọn đã dũng cảm quyết đứng lên đánh đuổi quân xâm lược có tàu sắt, súng đồng. Từ những sự tích và giai thoại toát lên khí chất anh hùng, vì nước quên thân vốn đã ngấm sâu vào máu thịt của người Nam bộ, bất kể già trẻ, gái trai.
Bạn đọc cũng có thể tìm thấy trong hai tập sách những câu chuyện đậm chất nhân văn như chuyện các bậc cao tăng cảm hóa cọp, bà mụ đỡ đẻ cho cọp rồi được cọp trả ơn, chuyện những người vợ mòn mỏi đợi chồng… Bên cạnh đó, giai thoại về những nhân vật đặc biệt nổi danh một thời: cậu Hai Miêng, cậu Phước George, Hắc Công tử, Bạch Công tử; những tay “anh chị giang hồ hảo hớn” như tướng cướp Đơn Hùng Tín; những truyện cười bể bụng về các ông thầy pháp, thầy lang bất đắc dĩ cũng được sưu tầm, làm phong phú cho tập sách.
Những sự tích và giai thoại dân gian trong cuốn sách này được hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường sưu tầm từ nhiều nguồn sách báo khác nhau, trong đó không ít truyện được các tác giả ghi chép qua lời kể của người dân địa phương trong những chuyến đi điền dã. Điều lý thú là trong cuốn sách này, các tác giả đã giữ được lối kể chuyện đậm chất dân dã, câu từ gần gũi, mộc mạc. Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, hai nhà nghiên cứu còn đi sâu phân tích sự kế thừa về mặt mô-tip từ kho tàng văn học truyền miệng ở hai miền Trung, Bắc, những nét mới về nội dung trong những sự tích, giai thoại dân gian được lưu truyền ở Nam Bộ; đồng thời nêu bật ý nghĩa, giá trị và cái chất riêng có của thể loại văn học này ở vùng đất phương Nam.
Nhiều sự tích và giai thoại trong hai tập sách phản ánh “người thật việc thật”, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về con người, về đời sống sinh hoạt, lịch sử, văn hóa vùng đất Nam Bộ trong đó có Sài Gòn - Gia Định. Năm
1992, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có dịp được giới thiệu đến bạn đọc hai tập sách Nghìn năm bia miệng và được bạn đọc xa gần đón nhận. Đến nay, chúng tôi tái bản hai tập sách với diện mạo mới như một dấu ấn kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (1698 - 2018).
Xin trân trọng giới thiệu đến quí bạn đọc!
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH