Từ thập niên 1990, tiếng Việt Sài Gòn đã được đưa vào giảng dạy cho người nước ngoài tại Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Kể từ lúc đó, tiếng Việt Sài Gòn ngày càng được các ngành giáo dục và du lịch chú ý khai thác để đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài đến làm việc và học tập ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Từ thập niên 2000, tiếng Việt Sài Gòn đã chiếm được vị trí quan trọng trên các kênh truyền hình, phim quảng cáo, phim truyện trong nước và phim truyện nước ngoài có lồng tiếng Việt, phủ sóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam…
Tuy nhiên, có một hiện tượng bất thường là trong khi tài liệu về tiếng Việt Sài Gòn dành cho người nước ngoài rất dễ tìm ở các cơ sở giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thì tài liệu về ngôn ngữ của vùng đất Sài Gòn dành cho chính những người Việt Nam, người Sài Gòn có nhu cầu lại tương đối hiếm, nội dung lại chuyên sâu, chỉ thích hợp cho các nhà ngôn ngữ học. Hơn thế nữa, hầu như chẳng có mấy tài liệu trong số đó chú ý trang bị cho người đọc cái nền tảng của tiếng Việt Sài Gòn là văn hoá của vùng đất Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, văn hoá và ngôn ngữ của vùng Nam Bộ. Tách rời ngôn ngữ khỏi văn hoá, tách rời Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi cái nôi Nam Bộ, tức là tách rời cây ra khỏi đất và tách rời thân cây ra khỏi rễ – một thao tác phân lập mà nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam thường lạm dụng mặc dù trái với quy luật tồn tại và tiến hoá của bản thân ngôn ngữ.
Từ thực tế đó, chúng tôi nghĩ rằng biên soạn một cuốn sách giới thiệu tổng hợp về ngôn ngữ - văn hoá của vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ sẽ là một đóng góp thiết thực trong tình hình tư liệu hiện nay. Trong đó, phần tri thức về văn hoá của vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ là phần kiến thức cơ sở, cung cấp những tri thức văn hoá học thiết yếu về văn hoá Sài Gòn và Nam Bộ, qua đó trang bị một nền móng vững vàng giúp cho người đọc dễ dàng nắm hiểu, vận dụng mảng tri thức tiếp theo là những tri thức ngôn ngữ học về tiếng Việt Sài Gòn và tiếng Việt Nam Bộ. Ngoài ra, nhằm giúp ích thiết thực cho những học viên, bạn đọc có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Việt Sài Gòn để hành nghề, tác nghiệp, sách có thêm một chương trình bày về ngôn ngữ giao tiếp của tiếng Việt Sài Gòn.
Nguồn tư liệu để biên soạn phần văn hoá Nam Bộ và văn hoá Sài Gòn được chúng tôi phát triển, chọn lọc từ chuyên đề Sơ lược về văn hoá - lịch sử của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh cho chương trình talkshow ca nhạc “Sài Gòn - thành phố tôi yêu” của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (2008), chuyên đề Sơ lược về văn hoá Việt Nam và văn hoá Sài Gòn cho lớp tập huấn tình nguyện viên của Đại hội Thể thao châu Á Trong nhà lần thứ III tại thành phố Hồ Chí Minh (2009), bài giảng môn học Các vùng văn hoá và văn hoá các tộc người Việt Nam cho sinh viên văn hoá học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh (2008-2011).
Phần tiếng Việt Nam Bộ và tiếng Việt Sài Gòn được chúng tôi phát triển, chọn lọc từ bài giảng môn học Dẫn luận ngôn ngữ học cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá học Trường Đại học Hoa Sen (2008), bài giảng môn học Ngôn ngữ và văn hoá cho sinh viên Khoa Văn hoá học Trường Đại học Văn Hiến (2009), bài giảng chuyên đề Ngôn ngữ học cho diễn viên lồng tiếng cho học viên của TVM-SBS Academy thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đào tạo Truyền thông Trí Việt (2009, 2010, 2011), bài giảng môn học Văn hoá Việt Nam qua ngôn ngữ cho sinh viên Khoa Văn hoá học (2010) và bài giảng môn học Ngôn ngữ và văn hoá cho học viên Cao học Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh (2011).
Trong quá trình hoàn thiện cuốn sách, chúng tôi đã nhận được sự khích lệ và góp ý của một số nhà ngôn ngữ học và văn hoá học. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chung.
Mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng, nội dung của cuốn sách chắc chắn vẫn còn thiếu sót. Kính mong các nhà nghiên cứu, các thầy cô, các bạn học viên, sinh viên và bạn đọc gần xa thể tất và quan tâm góp ý, giúp chúng tôi tiếp tục nâng chất cho cuốn sách khi có dịp tái bản về sau.
TS. LÝ TÙNG HIẾU
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)