Lời Nhà xuất bản
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn là một học giả nổi tiếng bởi trí tuệ uyên bác, bởi những cống hiến lớn lao và dài lâu cho khoa học, giáo dục và văn hóa nước nhà, bởi cuộc đời ông là một tấm gương tận tụy với đồng nghiệp và học trò.
Ông là một trong những người thành lập ngành Ngôn ngữ học, người mang lãnh trách nhiệm xây dựng ngành này cho đất nước, một “người anh cả của ngành ngôn ngữ học” như Giáo sư Cao Xuân Hạo nói, đã đào tạo các thế hệ nối tiếp. Ông là một người yêu nước.
Nhưng cái làm nên sự trọn vẹn của CON NGƯỜI viết hoa đó là một cuộc đời không màng danh lợi.
Sinh ra, lớn lên và bắt đầu sự nghiệp ở xứ Nghệ, suốt cuộc đời mình, quê hương luôn sâu nặng trong tâm trí ông. Những năm cuối đời, tình cảm ấy càng da diết và sâu sắc. Tất cả năng lực sáng tạo của mình, ông vắt kiệt cho việc nghiên cứu di sản văn hóa bậc nhất của xứ Nghệ là Truyện Kiều. Ông cũng đã không quên hoàn thành bản thảo cuốn sách về thơ Đinh Nhật Thận qua tập thơ Thu dạ lữ hoài ngâm do người anh trai là liệt sĩ, bác sĩ Nguyễn Tài Chất để lại từ hơn 60 năm trước.
Ông là người lao động kiệt xuất, lao động đến phút cuối cùng không nghỉ. Trên từng dòng chữ của ông, chúng ta thấy không chỉ trí tuệ mà cả tâm lực, cả sự thao thức.
Năm 2011, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về với thế giới người hiền. Để tưởng nhớ người thầy cả đời “bất yếm, bất quyện” tạp chí Văn hóa Nghệ An đã tập hợp bài viết của các đồng nghiệp, học trò và một số bài viết của Giáo sư in thành sách. Nay nhận thấy cuốn sách có giá trị về đọc văn bản học, là tài liệu hữu ích cho ai quan tâm nghiên cứu về ngôn ngữ và văn tự Hán - Nôm nên Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh sửa, bổ sung thêm bài viết của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và cho in lại. Nhà xuất bản xin cảm ơn anh Phan Văn Thắng - Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ An, là người đã cung cấp bài vở, tài liệu để việc tái bản cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TTO - Nhiều thế hệ học trò của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) đều nhìn nhận ông chính là nhà giáo “bất yếm bất quyện” (không mệt không chán - hai đức tính đáng quý của một người thầy).
|
Ảnh: L.Điền |
Sau khi giáo sư Nguyễn Tài Cẩn qua đời, các học trò và giới chuyên ngành ngôn ngữ học tưởng niệm ông bằng hàng loạt bài viết mang đậm tính học thuật.
Đây thực sự là những tiểu luận có hàm lượng kiến thức cao, được viết ra từ những chuyên gia đang nối bước một bậc thầy, chứ không phải là những lời ca ngợi suông khi ai đó nằm xuống như thường thấy.
Bản thảo được tạp chí Văn Hóa Nghệ An hình thành từ mấy năm trước, nay được NXB Tổng Hợp TP.HCM bổ sung và tái bản với tên gọi Nguyễn Tài Cẩn - học giả “bất yếm bất quyện”.
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã dành trọn cả đời đóng góp cho ngành ngôn ngữ và văn hóa nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực Hán Nôm và văn bản học. Có thể tìm thấy ở tập sách này những ghi nhận của các nhà ngôn ngữ về vai trò cực quan trọng của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trên hành trình nghiên cứu về chữ Nôm của học giới nước ta.
Quan trọng đến mức những phương pháp và đề xuất của ông có tính tiên phong, tạo ra bước ngoặt quan trọng “trước và sau Nguyễn Tài Cẩn” trong quá trình nghiên cứu chữ Nôm ở ta (bài của Nguyễn Tuấn Cường).
Hoặc như những ghi nhận quan trọng khác, khiến cho tập sách như một hồ sơ thu gọn, vừa giới thiệu chuyên sâu các công trình học thuật mà cả đời giáo sư đã đóng góp, vừa gợi nhắc những kỷ niệm trong quan hệ sư đệ, đồng nghiệp mà thực chất cũng là một nội dung “thân giáo” còn hữu ích cho nhiều thế hệ mai sau: Ba tiểu khúc về thầy Nguyễn Tài Cẩn (Đinh Văn Đức), Mấy mẩu ký ức về giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (Hoàng Dũng), Tôi đã ghi nhớ và làm theo lời thầy dạy (Nguyễn Thiện Giáp), Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, một tài năng trong bao niềm cay đắng và vinh quang (Hữu Đạt)...
Đặc biệt tập sách còn một phần giới thiệu 10 bài nghiên cứu quan trọng của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về Truyện Kiều, chữ Nôm, văn bản bài thơ Phạm Quý Thích, câu văn của Hồ Chủ tịch..., chỉ là những chọn lọc rất nhỏ từ cả sự nghiệp của giáo sư, nhưng qua đó cũng có thể truyền cảm hứng cho những bạn đọc đang nặng lòng với văn học cổ và vốn ngôn ngữ của nước nhà.
LAM ĐIỀN
Theo tuoitre online