Trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) còn khắc ghi trên bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung viết: “Nền giáo dục thịnh trị là gốc ở việc có người tài, người hiền tài đông đảo là do giáo dưỡng... thuở đầu mở cuộc cách tân khai sáng, đã lấy việc xây dựng nhà học, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ hàng đầu” Một quốc gia hưng thịnh lệ thuộc vào nền giáo dục hưng thịnh; nền giáo dục hưng thịnh được thể hiện đỉnh cao ở nền đại học. Bởi đó là nơi tập hợp những tinh túy của đất nước, những người phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho quốc gia. Danh tiếng của những ngôi nhà đại học cao sang của quốc gia chính là danh tiếng của những người thầy - nhà khoa học – người tạo nên “nguyên khí quốc gia” .Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học nên luôn luôn tôn sư trọng đạo. Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thường nói với nhau “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Thời đại nào cũng coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và hiền tài nào cũng được tạo thành bởi “Không thầy đố mầy làm nên”, nhất là được thọ giáo từ những con người có thiên chức “Lương sư hưng quốc” Nhà giáo Đỗ Văn Nhung là người có 50 năm giảng dạy ở các trư?ng đại học trong và ngoài nước, trong đó nhiều nhất là tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Phó Giáo sư Sử học, Nhà giáo ưu tú, có bề dày nghiên cứu và kinh nghiệm dạy học cho nhiều thế hệ học trò với nhiều loại hình đào tạo. Ông có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học chuyên ngành được đưa vào giảng dạy, nhất là về Lịch sử thế giới cổ trung đại, Lịch sử văn minh thế giới, Lịch sử Đông Nam Á. Ông không chỉ được các thế hệ cán bộ đồng nghiệp, học trò nể trọng và tôn vinh, mà còn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị chuyên môn ghi nhận sự đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cuộc sống và sự nghiệp của ông đã và đang là tấm gương nhà giáo mẫu mực cho nhiều thế hệ cán bộ giảng viên nghiên cứu trẻ, cũng như sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Khoa Lịch sử đã thực hiện được một công việc thiết thực, có ý nghĩa truyền thống - làm lễ mừng thọ Nhà giáo Đỗ Văn Nhung tròn 80 tuổi. Đây là truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ ngư?i trồng cây”, việc làm thể hiện tình cảm, sự tri ân của biết bao thế hệ học trò Khoa Lịch sử đối với thầy Đỗ Văn Nhung đáng kính của chúng ta. Cuốn sách “Nhà giáo - Nhà Sử học Đỗ Văn Nhung” là món quà quý mừng thượng thọ thầy. Được biết Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử đã cử Ban biên tập, người chủ biên, chắp bút bài khảo cứu (như Trần Tịnh Đức, Hà Minh Hồng, Đỗ Thị Hạnh, Thái Vĩnh Trân…), để thực hiện cuốn sách, đều là những học trò của thầy. Do đó khi biên soạn và biên tập cuốn sách này, tập thể Khoa Lịch sử đã rất thận trọng và công phu, gửigắm nhiều tình cảm và trách nhiệm, nhằm có cuốn sách “để đời” cho thầy. Bố cục và nội dung cuốn sách cũng như cách trình bày, đã thể hiện được điều đó. Nhân đây, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kính chúc thầy – PGS. NGƯT. Đỗ Văn Nhung, tuổi 80 trường xuân bất lão, tuổi 80 phúc thọ an khang. Chúc sức khỏe quý thầy cô giáo Khoa Lịch sử và các khoa, bộ môn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhà trường rất khuyến khích công việc có ý nghĩa trên đây của Khoa Lịch sử; vui mừng và trân trọng giới thiệu cuốn sách quý “Nhà giáo - Nhà Sử học Đỗ Văn Nhung”
Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11-2012
HIỆU TRƯỞNG
PGS. TS. VÕ VĂN SEN