NHIẾP SINH
Tác giả: Lê Hưng VKD
Dịch giả: Khác
Khổ sách: 15x21 cm
Số trang: 204 trang
Trọng lượng: 320 g
Năm xuất bản: 2013
I. Thư của người bạn Hà Nội:
Lê Hưng VKD với biên khảo Nhiếp sinh
Nhiếp sinh (savoir - vivre) là một tài liệu nghiên cứu có giá trị. Giá trị đối với các nhà nghiên cứu lý luận và cả nghiên cứu ứng dụng. Nhiều cách nghiên cứu mới (của học phái Thiên Lương) mà các sách cổ không đề cập đến.
Sách đưa ra một vấn đề “hắc búa” ít người đề cập đến, là dùng công cụ toán học hiện đại như toán tập mờ (théorie des flous), toán thống kê (Théorie de rassemblement) để lập trình về cách an dữ kiện, xác định công thức cho thiên can hàm nghĩa không gian, công thức cho địa chi hàm nghĩa thời gian, công thức an thái dương, hướng trong phong thủy, giải mã cấu trúc tiên thiên bát quái. Tác giả muốn ta hiểu biết rằng: Linh khu mệnh học, phong thủy có nền tảng toán học khách quan (mà toán học là mẹ đẻ của khoa học), nhất là hệ thống số nhị phân (đang được áp dụng trong điện toán hiện đại). Như vậy linh khu đồ là phương trình toán học lịch sử về số phận con người. Từ đó phát hiện ra những chân lý (phi vật chất) thay thế cho thuyết thiên mệnh của duy tâm tôn giáo.
Cho nên phương châm của nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD là “am lịch sự cố” (có thế giới quan rộng, nhìn được bản chất và qui luật biến hóa của vạn vật, tầm nhìn chiến lược) “canh lịch sự biến” (có nhân sinh quan khoa học, biết cách giải quyết tốt các xáo trộn xảy ra, giải quyết chiến thuật) và “luyện lịch sự tình” là điều chỉnh tốt các quan hệ giao tiếp hàng ngày, để cá nhân và xã hội luôn được hài hoà. Người có phương châm sống như vậy, sẽ không phó mặc đời mình cho số phận, mà biết dựa theo qui luật vận dụng được thời cơ thuận lợi, tránh được rủi ro, lợi cho cá nhân và xã hội:
Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều
(Thơ Nguyễn Du)
đúng như cụ Thiên Lương đã tâm đắc căn dặn con cháu của mình!
Hà Nội, ngày 15 - 4 - 2012
KS. Nguyễn Khắc Minh (sinh 1932)
(nguyên giảng viên ĐH. Bách Khoa - Hà Nội)
II. Thư của người bạn Paris :
Vài cảm nghĩ về nhà giáo Lê Hưng VKD
Năm 1970, khi còn dạy học ở Đà Lạt, tôi đã biết nhà giáo Lê Hưng VKD (qua bút danh Lê Trung Hưng) lần đầu tiên, trên tờ Khoa Học Huyền Bí với 1 bài về Tử Vi. Thập niên 70, phong trào Tử vi (bây giờ nhóm nghiên cứu hậu TL gọi là Linh Khu Mệnh học) trong giới trẻ nở rộ ở miền Nam cùng nhiều sách của nhiều tác giả phát hành, trên nhiều bài khảo luận và kinh nghiệm về Dịch học ở các báo, tôi đặc biệt chú tâm đến các phát kiến của cụ Thiên Lương trước khi cụ cho ra đời cuốn Tử Vi Nghiệm Lý (xuất bản tại Sài Gòn năm 1974), sau đó là cuốn Tử Vi Toàn Thư (gồm các bài nghiên cứu bổ túc riêng rẽ từng bộ sao). Hồi đó tôi đã chú ý nhiều đến lối hành văn đặc biệt của Lê Hưng VKD và phát kiến độc đáo của cụ Thiên Lương (cùng nhiều tác giả trẻ của học phái Thiên Lương).
Sau năm 1978, tôi có hân hạnh được cụ Thiên Lương tiếp nhiều lần (do sự giới thiệu của Hồng Đức), được cụ cho xem thêm nhiều bài nghiên cứu trước khi cụ mất - năm 1984. Đồng thời tôi cũng gặp ông Hưng tại Sài Gòn năm 1979, lúc đó Ông Hưng Châm Cứu (bằng phương pháp “nhu châm”( ) cho tôi về bệnh bao tử.
Cũng như nhiều bạn của tôi thời học sinh - sinh viên đều ham nghiên cứu Mệnh lý học cùng Dịch lý. Nhưng thời đó các sách viết về Tử Vi còn hiếm - phần lớn dịch từ sách Tàu chỉ ghi tính chất từng dữ kiện và cách lập bản linh khu đồ cùng các câu Phú. Với lối học theo kiểu Vocabulaire( ) đó, nếu đi xem các thầy thời danh cũng chỉ dựa trên tính chất dữ kiện và các câu Phú (nhiều câu ghi lại cũng có nghịch lý so với vị trí dữ kiện về Định Nghĩa - và cũng có thể chỉ dựa trên vài lá linh khu đồ - không có tính bền trên xác suất (cần phải có cỡ Mẫu thật lớn : vài nghìn lá linh khu đồ cùng mẫu). Tôi đã đến với Môn này, - nghiên cứu xong lại bỏ - bỏ lại tiếp tục đến 3, 4 lần. Đến khi đọc được các phát kiến của cụ Thiên Lương và có dịp nghiên cứu cuộc đời chính mình và của nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau - cùng nghề nghiệp và sự thăng trầm (biến cố cuộc đời) trong lúc dạy học, lúc ở hải ngoại... Tôi thấy những kinh nghiệm về linh khu mệnh học của học phái Thiên Lương có “xác suất khá cao”. Đương nhiên cũng cần phối hợp với vài môn khác như Chỉ Tay, Hình Tướng, Tử Bình, Phong Thủy...(là tâm đắc của tôi).
Sang Pháp năm 1987, nhưng mãi đến năm 2009 tôi và ông Hưng mới thư từ qua lại với nhau và được ông Hưng gửi tặng 3 cuốn: Tâm thiền lẽ Dịch xôn xao, Nghiệm lý hệ điều hành âm dương, Biết Mình - Hiểu Người, Hài Hòa Cuộc Sống.
Ông Hưng vốn là nhà giáo, lại là hậu duệ của dòng họ Lê Lã tinh thông về Dịch học, đặc biệt Y học, Phong thủy, Tử vi, nên căn bản về những môn này - ta miễn bàn. Với kinh nghiệm của nhà giáo lâu năm, tôi rất tâm đắc với lối viết cô đọng của ông về Dịch Lý - đặc biệt là môn Linh Khu mệnh học. Phải đọc nhiều sách cổ truyền và có rất nhiều kinh nghiệm mới có thể thu gọn để viết lại vấn đề này trên vài trang giấy. Ông lại có lối sử dụng ngôn ngữ mới, hợp thời đại, có lẽ với hậu ý: để các bạn trẻ sau này nối tiếp ông, kết hợp môn học cổ với khoa học kỹ thuật hiện đại, truyền lại cho đời sau dùng Linh Khu mệnh học để biết Mình, hiểu Người (ứng dụng như Khoa Trắc Nghiệm Tâm Lý để hướng dẫn lớp trẻ tìm đúng việc làm, hướng đi hợp với bản chất của mình), ông cũng giống như học giả Nguyễn Hiến Lê dùng Dịch học như Đạo của người Quân Tử.
Paris, Xuân 2013
Phạm Kế Viêm( ) (sinh năm 1936)
III. Thư của người bạn làm báo:
Ở nước ta thời cận đại và hiện tại, có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học phái dầy công tìm hiểu và phát triển khoa Tử vi (về mặt khoa học nhân văn cũng như việc ứng dụng trong giải đoán số mệnh con người), trong đó có học phái Thiên Lương của dòng họ Lê Lã gốc Hưng Yên, vào Sài Gòn - Bình Dương lập nghiệp tính đến nay đã được bốn thế hệ.
Học phái Thiên Lương định nghĩa khoa Tử vi là Linh khu thời mệnh lý trên cơ sở luận giải như sau: Linh khu chỉ con người là bộ máy thông minh kỳ diệu với bốn đặc trưng tự động quý hiếm của sinh vật bậc cao là tự điều chỉnh, tự thích nghi, tự tổ chức và tự tái tạo. Linh khu đồ là bản thiết kế minh triết gồm 128 dữ kiện thông tin cho mỗi người , được lập theo năm, tháng, ngày, giờ sinh, sách xưa thường gọi là lá số tử vi. Linh khu thời mệnh lý là tên gọi học thuật Tử vi phương Đông, với mục đích am lịch sự cố (hiểu biết thấu đáo các nguyên nhân biến hóa của sự vật, sự việc), canh lịch sự biến (chỉnh sửa các biến động vô thường theo chiều hướng hạn chế, khắc phục thiệt hại, khai thác và phát huy thuận lợi), luyện lịch sự tình (khôn khéo rèn luyện năng lực ứng xử để góp phần phát triển cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng).
Xuất phát từ những nguyên tắc, dữ kiện và mục đích nêu trên, học phái Thiên Lương đã có hàng loạt ấn phẩm được xuất bản (từ giữa thế kỷ trước đến mấy thập niên gần đây). Các sách được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc là do ông Lê Hưng, Nhà giáo, Thầy thuốc ưu tú, nguyên Chủ tịch Hội Laser y học tỉnh Bình Dương, chủ biên.
Điều đặc biệt đáng chú ý là: suốt quá trình nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của các thế hệ học phái Lê Lã trong lĩnh vực Linh khu đồ, cũng như trong công tác y học, giáo dục và các xuất bản phẩm, đều nhất quán nguyên tắc và phương pháp luận coi quan hệ Âm - Dương là triết lý chủ đạo, là cội nguồn, là động lực tạo nên sự phát sinh, phát triển, điều chỉnh, biến hóa của người, vật và sự việc. Trên cơ sở đó, sách của Lê Hưng VKD đã tiến thêm một bước trong việc phân tích cấu trúc Linh khu đồ, dự đoán nhân cách, sự nghiệp, gia đạo, quan hệ xã hội của mỗi người và cả những ứng dụng trong y học, điều trị bệnh lý, xây dựng cuộc sống cá nhân theo hướng có sức khỏe đích thực và bền vững. Bởi vậy có thể coi là bổ ích và thiết thực đối với bạn đọc nói chung và giới doanh nhân nói riêng trong xây dựng, điều chỉnh cuộc sống, cũng như trong công việc làm ăn và ứng xử với đối tác trên tinh thần: biết mình - hiểu người, hài hòa cuộc sống!
Tháng 10 - 2012
TS. Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1948)
(TBT tạp chí Doanh nghiệp & Đầu tư)
IV- Thư của nhà giáo trẻ:
Người Thầy “2 trong 1”
Có một nghề cao quý dạy người được gọi là Thầy giáo; có một nghề khác cao quý không kém, chữa bệnh cứu người là Thầy thuốc. Dường như Trời cao đã “lập trình” sẵn định mệnh cho ông Lê HưngVKD là “2 trong 1”. Cả hai công việc ấy, ông đều song hành thực thi suốt cuộc đời mình, ngay từ thời trai trẻ thanh xuân, và chưa bao giờ ông dừng lại...
Cha tôi (giáo sư Trần Quốc Vượng) là người quảng giao, nhiều bạn, nhiều học trò. Nhưng tri âm tri kỷ không nhiều! Từ lâu lắm rồi, tôi đã thấy tên ông nhiều lần trong câu chuyện của cha mẹ tôi. Cha tôi nhắc đến Lê Hưng VKD với sự tôn trọng và đặc biệt quý mến. Ông là một trong số những người bạn mà cha tôi gọi là chí thiết. Tình bạn của ông và cha tôi trở thành niềm tự hào của mọi thành viên trong gia đình tôi. Với riêng tôi, tôi kính trọng và ngưỡng mộ ông có phần vượt hơn anh trai và em gái của mình, bởi những vấn đề ông nghiên cứu và tác nghiệp, khiến tôi đặc biệt thích thú và cũng bởi tôi là đứa con may mắn được cha tôi hợp, thương và chiều hơn cả.
Do vậy, tôi rơi nước mắt khi ông gọi điện cho tôi, sau một thời gian khá dài tôi ít biết tin ông. Ông hỏi thăm, chúc mừng tôi được giải thưởng (công trình nghiên cứu của Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam) và cho tôi sách của ông. Cứ 1 - 2 tháng ông lại viết vài dòng cho tôi trên những cuốn sách ông tặng và gửi qua đường bưu điện. Tôi thấy lòng mình rưng rưng mỗi khi nhận được quà tinh thần của ông như thế. Tôi bớt đi cảm giác mồ côi, thiếu vắng cha mẹ. Tôi thấy trong ông, qua ông: hình ảnh của cha tôi và cả một “thế hệ vàng” quý hiếm, vô cùng đáng kính, nhiều tài và đầy phẩm cách của nước Việt.
Ông có lối hành văn đặc biệt, thấu suốt trong: “Tâm thiền lẽ Dịch xôn xao”, “Nghiệm lý hệ điều hành âm dương”, “Biết mình, hiểu người - Hài hòa cuộc sống” đều như vậy. Tôi bị cuốn hút bởi lối diễn đạt vừa hàn lâm, bác học trang trọng, vừa giản dị pha hóm hỉnh, xen lẫn từ vựng hiện đại với lối nói xưa cũ, xa xôi, sâu sắc (vốn là màu sắc riêng có, thuộc về thế hệ của ông). Bà giáo Vương Kim Dung, (phu nhân của ông) nhắc tôi là cứ thẳng thắn nếu thấy cách viết của ông khó hiểu, nhưng tôi lại không cảm nhận như vậy! Các vấn đề ông đề cập tuy không hề dễ hiểu, nhưng đã được ông “đơn giản hóa mọi điều phức tạp”. Ông trình bày Linh khu đồ như phương trình toán học lịch sử về con người, ông dùng toán thống kê, toán tập mờ để lập trình cách an hiện các dữ kiện và thông số đời người. Ông diễn giải Phong thủy, Tử vi, Dịch học, Y học: kết nối lý luận với những ví dụ thực tiễn thú vị, đến nỗi một kẻ dốt Toán như tôi cũng hiểu ra nhiều điều cơ bản. Ông hướng dẫn độc giả cách kết hợp khoa học kỹ thuật mới với những tri thức cổ xưa, đặng tìm ra cách xử lý và chữa bệnh thể xác, bệnh tinh thần cho con người. Phối hợp tri thức tổng quát qua các sách đã (và sắp) xuất bản của ông, người đọc được mở dần từng cánh cửa để hiểu và trân trọng cuộc sống, để hiểu và trân trọng cá nhân mình, để được sống nhiều và sống lâu, để cuộc đời được tăng cường cả về số lượng và chất lượng sống. Tôi mê nhất và cứ lẩm bẩm “Ơ rê ka” khi ông viết nhiều đầu sách chuyên đề Linh khu thời mệnh lý, bởi lẽ tôi vốn là dân Ngữ Văn, dạy về giao tiếp và thích tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc (EQ). Tôi đã tìm ra lời giải và nhiều bài học sâu sắc từ những kết quả nghiên cứu uyên thâm của ông về vấn đề này. Trí tuệ mẫn tiệp và lối trình bày logic (ông vốn là nhà giáo Toán học) ấy, đem đến sự cống hiến đặc biệt của ông cho lớp hậu sinh chúng tôi (và các thế hệ trẻ tiếp nối) để họ có thể ứng dụng với ý thức chủ động “am lịch sự cố, canh lịch sự biến, luyện lịch sự tình”, để đi tìm thành công và ý nghĩa cuộc sống đời mình!
Thế hệ của ông và cha tôi nói chung, ông và cha tôi nói riêng, đều là những con người suốt đời theo đuổi lý tưởng sống lớn lao và duy nhất: dâng toàn bộ sức lực và trí tuệ cho Tổ quốc của mình, với tinh thần tận hiến.
Ông là thầy thuốc ưu tú & nhà giáo mẫu mực: Lê Hưng VKD, (người bạn tri kỷ đáng kính của cha tôi!) người Thầy “2 trong 1”!
Hà Nội, ngày 20/11/2012
TS. Trần Thúy Anh (sinh năm 1964)
(CBGD, Khoa Du lịch học -
Trường ĐHKHXH & Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội)