Tác giả: Trần Luân Kim
Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Điện ảnh
Nguyên Viện trưởng Viện phim Việt Nam
Đã xuất bản 10 cuốn sách, trong đó 6 cuốn sách, trong đó 6 cuốn là đồng tác giả
Phương pháp phê bình điện ảnh
Lý luận - phê bình điện ảnh đồng hành và hỗ trợ sáng tác điện ảnh
Quyển sách Phương pháp phê bình điện ảnh của tác giả Trần Luân Kim đã đạt giải Nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 2012 – 2017, gồm 4 phần: Chế tác phim truyện - Sơ thuật mấy vấn đề cơ bản; Phê bình phim truyện - Phương pháp và nội dung; Thực hành phê bình phim; Những bài phê bình phim.
Mở đầu
Là nghệ thuật tổng hợp nhiều cấp độ, nội hàm ĐIỆN ẢNH bao chứa các nội dung hoạt động với nhiều chuyên ngành khác biệt nhau. Trong đó, mỗi hoạt động hoặc mỗi chuyên ngành đều dung nạp khối lượng lớn kiến thức cùng hệ thống thủ pháp và kỹ năng thể hiện nghệ thuật hết sức phong phú, đa dạng. Lĩnh vực LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH, vì thế cũng trở nên đặc biệt rộng lớn và phức tạp.
Con đường tiếp cận, nghiên cứu điện ảnh thông qua lý luận - phê bình là con đường dài nhiều chặng, xuyên suốt các lĩnh vực hoạt động tổng hợp của điện ảnh; từ các yếu tố liên quan đến văn học, nghệ thuật tạo hình, dàn dựng cảnh, xử lý không gian thời gian, chọn lọc âm thanh, nghệ thuật diễn xuất... đến các vấn đề thuộc về tài chính, thương mại, cùng các lĩnh vực khác như vật liệu ghi hình, kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ, phương thức quảng bá, v.v... Riêng lĩnh vực nghệ thuật, để nghiên cứu thấu suốt nghệ thuật điện ảnh, người ta không thể không đề cập tới hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp như mỹ học điện ảnh, tâm lý điện ảnh, ký hiệu điện ảnh, lịch sử điện ảnh, xã hội học điện ảnh,... Phạm vi rộng lớn của nội hàm điện ảnh đặt công tác lý luận phê bình điện ảnh vào một vị thế vừa chông chênh khó nhọc, vừa tinh vi lý thú.
Lý luận điện ảnh và phê bình điện ảnh là hai phạm trù gắn kết, hỗ trợ nhau chặt chẽ, không thể tách rời. Chính vì vậy, trước khi đề cập sâu lĩnh vực phê bình điện ảnh, thiết tưởng, tìm hiểu một số vấn đề lý luận cơ bản về nghệ thuật điện ảnh có mối liên quan trực tiếp đến phương pháp phê bình điện ảnh, là việc cần thiết.
Tác phẩm điện ảnh (rộng hơn là tác phẩm nghe - nhìn) tác động trực tiếp đến quảng đại công chúng, do đó lý luận điện ảnh có mối tương quan mật thiết với tiến trình phát triển xã hội. Sự đa dạng, phức tạp của xã hội, vì thế cũng in dấu đậm nét lên sự đa dạng, phức tạp của lý luận điện ảnh. Hoàn cảnh và các điều kiện khác nhau của xã hội quyết định đặc trưng cơ bản của lý luận điện ảnh. Lý luận điện ảnh phụ thuộc vào hình tượng điện ảnh, và hình tượng điện ảnh cũng đồng thời chịu sự chi phối sâu sắc của xã hội, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nhận thức xã hội, tạo nên nguồn tác động hữu ích hai chiều. Từ đó có thể xác định rằng, lý luận điện ảnh là môi giới tích cực giữa hình tượng điện ảnh với xã hội. Cũng có thể nói khác: hình tượng điện ảnh là chốn ký thác tinh thần và tình cảm của các cá thể trong xã hội; qua đó mà thấu hiểu mình thông qua việc tham chiếu hình tượng điện ảnh.
Hình tượng điện ảnh là những mảnh vụn được kết nối từ lịch sử lịch sử của quá khứ và hiện tại. Chúng được ghép lại, qua lý luận phê bình điện ảnh, giúp ta nhận diện một phần lịch sử. Lý luận điện ảnh giải phẫu hình tượng điện ảnh, và góp phần kích thích lịch sử phát triển. Khi một hình tượng điện ảnh được đông đảo công chúng hoan nghênh, chứng tỏ nó đã làm tròn nhiệm vụ phản ánh một tâm lý xã hội tương đối phổ biến nào đó. Thông qua phân tích hình tượng, người ta có thể phát hiện và lý giải những mạch tâm lý ẩn chìm, và từ đó có thể cảm nhận nhịp đập của xã hội.
Lý luận điện ảnh đóng vai trò trọng yếu trong việc giải mã những ẩn tàng của nghệ thuật biểu đạt điện ảnh. Nghệ thuật điện ảnh thông qua hư cấu, tạo ra những dạng thái và hình tượng xã hội; được lý luận điện ảnh soi chiếu, phản ánh.
Lý luận - Phê bình điện ảnh là cây cầu, nối liền nghệ thuật điện ảnh với công chúng và xã hội. Vai trò quan trọng của lý luận điện ảnh là hướng đạo sự xuất hiện các hình tượng khác nhau; đồng thời luận giải xác đáng các hình tượng đó trước công chúng.
Giới lý luận điện ảnh phân chia nội hàm lý luận điện ảnh ra hai mảng chính: lý luận truyền thống và lý luận hiện đại. Lý luận điện ảnh truyền thống lấy phân tích tinh thần và phê bình hình thái ý thức làm trụ cột. Nó chủ yếu đề cập đến tác giả, tính hiện thực, tính giáo dục và tính thẩm mỹ. Lý luận điện ảnh hiện đại chủ yếu sử dụng hệ thống lý luận về ký hiệu học, về phân tích tinh thần, phê bình hình thái ý thức, chủ nghĩa nữ quyền và chủ nghĩa hậu hiện đại... Lý luận điện ảnh hiện đại khởi phát cuộc cải cách phương pháp tư duy, quan sát điện ảnh từ góc độ ký hiệu học. Dòng lý luận này tuy chưa hoàn thiện, song về bản chất, mang tính phê phán và cải cách rất đậm nét. Nó đào sâu các vấn đề về bản tính điện ảnh cùng mối quan hệ giữa điện ảnh với xã hội, làm thay đổi quan niệm truyền thống về bản chất của mối quan hệ giữa nghệ thuật điện ảnh với hiện thực đời sống. Cả hai, lý luận điện ảnh hiện đại và lý luận điện ảnh truyền thống đều cùng song hành tồn tại, hình thành một cấu trúc lý luận tổng hợp. Tuy cả hai không thể hòa vào nhau thành một thể hệ lý luận thống nhất và hoàn chỉnh; song chúng có thể tham chiếu nhau, tạo ra mối quan hệ đa chiều; cung cấp cho xã hội nhiều khả năng lưa chọn, giúp lý giải điện ảnh từ nhiều góc độ phong phú khác nhau.
Ở Việt Nam, lý luận điện ảnh tiến bước chậm trễ. Mặc dù nền điện ảnh dân tộc đã hình thành và phát triển, cho đến nay đã ngót 60 năm, vẫn chưa xây dựng được hệ thống lý luận riêng. Trong nhiều năm, hoạt động điện ảnh Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào đường lối văn nghệ của đất nước cùng hệ thống lý luận chuyên ngành chủ yếu đến từ Liên Xô. Lý luận điện ảnh Việt Nam, như vậy, cũng chưa xây dựng được cơ sở lý thuyết cơ bản, ngay cả ở lĩnh vực thông dụng nhất là nghệ thuật chế tác phim. Trong hoàn cảnh đó, khi một phần lý luận điện ảnh hiện đại từ bên ngoài thâm nhập vào, điện ảnh Việt Nam chưa sẵn sàng điều kiện để tiếp thu chủ động và có chọn lọc. Quan niệm chi phối lâu nay ở ta coi điện ảnh là công cụ nhằm đạt tới các mục tiêu về đạo đức chính trị xã hội; đòi hỏi điện ảnh phải hàm chứa tính xã hội nổi bật, trên thực tế hình thành lý luận điện ảnh và xã hội. Trong điều kiện đó, tính thương mại đơn thuần trong điện ảnh không được khuyến khích, mà đòi hỏi yếu tố thương mại cũng phải phục vụ các mục tiêu lành mạnh của xã hội. Hiện nay, chúng ta cần từng bước hình thành cơ sở lý luận cơ bản cho nền điện ảnh dân tộc. Cần kết hợp lý luận điện ảnh truyền thống với lý luận điện ảnh hiện đại; vận dụng phù hợp với hoạt động thực tiễn; đồng thời đáp ứng tích cực nhu cầu phát triển của điện ảnh nước nhà trong tương lai gần và xa. Theo các bài viết giới thiệu phê bình phim đã được đăng tải trên các phương tiện đại chúng thời gian qua, có thể thấy, đặc điểm phương pháp lý luận của số đông tác giả là không thâm nhập sâu vào cấu trúc mỹ học của bộ phim, mà chỉ dừng sự quan tâm ở nội dung cũng như giá trị, khía cạnh văn học - xã hội của tác phẩm đó. Nhiều tác giả đã chú trọng phân tích hình thái ý thức của tác giả phim và tác phẩm. Và khi phân tích hình thái ý thức thì nhiều tác giả có xu hướng đi sâu vào mối quan hệ giữa dục vọng con người với quy phạm xã hội. Do tồn tại hiện tượng thiên lệch trong phân tích, không lấy ngôn ngữ biểu hiện làm trung tâm, nên phần lớn các bài phê bình phim chưa thực sự đụng chạm đến những vấn đề bản chất của nghệ thuật điện ảnh.