Kính thưa quý độc giả, tác phẩm Soạn giả Viễn Châu, 100 bài vọng cổ đặc sắc (Tuyển chọn và chú giải) được Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia Sự thật, Hà Nội phát hành lần đầu vào năm 2015. Lần ấy, quyển sách kịp đến tay soạn giả Viễn Châu, khi ông còn tại thế.
Năm 2020, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành tác phẩm Soạn giả Viễn Châu, 120 bài vọng cổ đặc sắc trên cơ sở chỉnh sửa một số thiếu sót trong lần in đầu và chúng tôi có chọn bổ sung thêm 20 bài mới, 05 bài cho mỗi nhóm. Lần phát hành này, danh cầm Bảy Bá đã đi xa. Ông về thế giới bên kia đúng ngày đưa Ông Táo về trời 23 tháng Chạp năm Ất Mùi, nhằm ngày 1 tháng 2 năm 2016. Sinh thời ông có viết bài “Táo quân Cải lương chầu Thượng đế”, phải chăng ngày ra đi của vua viết vọng cổ - cải lương cũng là duyên nghiệp. Người trần gian chỉ còn biết cầu mong cho ông về với Ngọc Hoàng bằng an, vui vẻ.
Quyển sách “Soạn giả Viễn Châu, 120 bài Vọng cổ đặc sắc” với hình thức trình bày mới hiện đại, trang nhã; phù hợp với yêu cầu của tác phẩm bài ca vọng cổ. Các bài ca được sắp xếp hệ thống theo bốn thể loại gồm: Vọng cổ lịch sử - Vọng cổ tâm lý xã hội - Tân cổ giao duyên - Vọng cổ hài. Bạn đọc sẽ có dịp ôn lại những tác phẩm quen thuộc như: Ánh lửa Mê Linh; Võ Đông Sơ ; Bạch Thu Hà; Chút tình Dạ cổ hoài Lang; Lưu Bình, Dương Lễ; Tình Lan và Điệp; Tình anh bán chiếu; Bông Ô Môi; Xuân đất khách; Ai cho tôi tình yêu; Ai xuôi vạn lý; Em không buồn nữa chị ơi; Tình đẹp mùa chôm chôm; Trên đường lưu diễn; Tư Ếch đại chiến Văn Hường…
Nhân lần tái bản này, chúng tôi cảm ơn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã tạo điều kiện giúp chúng tôi hoàn thành quyển sách lần in đầu và gia đình bác Bảy Bá đã hỗ trợ, tạo điều kiện trong cả hai lần xuất bản, để dịp này quyển sách đến tay bạn đọc được như ý nguyện hơn; đồng thời, cũng là dịp kính nhớ và biết ơn Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, người đã để lại cho đời nhiều bài vọng cổ trác tuyệt!
Cũng nhân lần tái bản này, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và tác giả cũng xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tập chuyên khảo “Soạn giả Viễn Châu - tác giả và tác phẩm vọng cổ” để tạo điều kiện cho công chúng yêu mến những sáng tác vọng cổ của soạn giả Viễn Châu có thể tìm hiểu sâu hơn các tác phẩm của ông.
Trân trọng.
HUỲNH CÔNG TÍN
------------------
Soạn giả Viễn Châu: “Điểm tựa của tôi trong sáng tác chính là đọc và chắt lọc những nét đẹp từ tiểu thuyết văn học. Tôi là “con mọt sách” từ năm 14 tuổi. Tôi thích cách viết của nhiều nhà văn: Hoàng Ngọc Phách (tác phẩm Tố Tâm) lãng mạn, ướt át; Tân Dân Tử (Giọt máu chung tình) trau chuốt, nên thơ; Phú Đức (Châu về hợp phố) xốc nổi, xôm trò; Hồ Biểu Chánh (Con nhà nghèo, Nợ đời) giọng văn rặt chất Nam bộ; Lan Khai (Tiếng gọi của rừng thẳm) phiêu lưu, mạo hiểm; nhất là các tác phẩm dạt dào tình cảm của Khái Hưng, Nhất Linh. Điều thú vị nhất là các “sư phụ” tả về vẻ đẹp người phụ nữ thì hết ý, đọc đã thấy khoái nên tôi khi sáng tác bài ca cổ hoặc xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của mình, tôi thường dùng chất liệu văn học đã thẩm thấu từ những tác phẩm văn chương mình yêu thích”.
Lời của nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu
Kính thưa bạn đọc gần xa và đồng nghiệp quý mến!
Là một nghệ sĩ trong lĩnh vực sáng tác, không có gì vui bằng khi tác phẩm của mình được phổ biến đến đông đảo công chúng và nhất là được phổ biến một cách chính thức, hợp pháp, chính xác và trân trọng.
Thời gian qua, tôi đã nhận được thư của TS. Huỳnh Công Tín, Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ; Công văn của Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tại Cần Thơ và Công văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), xin ý kiến tôi, với tư cách là tác giả, về việc xuất bản cuốn sách “Soạn giả Viễn Châu -100 bài vọng cổ đặc sắc”. Sau một thời gian suy nghĩ và trao đổi với những người thân trong gia đình, nay tôi xin có ý kiến như sau:
Trước hết tôi rất hoan nghênh nhã ý của TS. Huỳnh Công Tín, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tại Cần Thơ và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) về việc thực hiện cuốn sách phổ biến 100 bài vọng cổ của tôi; với tư cách là tác giả, tôi đồng ý để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách này.
Thứ hai, tôi rất vui mừng vì Ban biên tập đã chuẩn bị bản thảo hết sức công phu và chính xác, đúng với nội dung gốc của người sáng tác.
Nhân đây, tôi cũng xin cám ơn TS. Huỳnh Công Tín, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tại Cần Thơ và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã thực hiện tuyển tập bài ca của tôi và phổ biến đến đông đảo công chúng.
Tôi xin hứa tạo mọi điều kiện thuận lợi để công việc được tiến hành nhanh nhất và không ai tranh chấp về bản quyền của các tác phẩm trong tuyển tập 100 bài vọng cổ của tôi.
Xin trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 3 năm 2015
Soạn giả VIỄN CHÂU