Theo quy định của Hiến pháp nước Mỹ [28], để đánh dấu sự khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới, tại buổi lễ nhậm chức, tân tổng thống phải đặt tay lên cuốn Kinh thánh (the Bible) và đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước công chúng: “I do solemnly swear (or affirm) that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my Ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States.” (Tôi xin long trọng tuyên thệ (hay xác nhận) rằng tôi sẽ trung thành đảm nhiệm cương vị Tổng thống nước Mỹ và cương quyết duy trì, gìn giữ bảo vệ Hiến pháp nước Mỹ.).Kể từ năm 1801, buổi lễ được tổ chức long trọng trước tòa nhà Quốc hội (Capitol), thủ đô Washington [26]. Cho đến nay, lịch sử nước Mỹ đã chứng kiến 44 vị Tổng thống đọc lời tuyên thệ nhậm chức; trong đó có đến 14 vị tuyên thệ 2 lần cho 2 nhiệm kỳ và đặc biệt Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thực hiện 4 lần tuyên thệ cho 4 nhiệm kỳ liên tiếp của ông. Tổng thống Grover Cleveland tham gia 2 nhiệm kỳ (1885-1889; 1893-1897), nhưng cách quãng nhau nên vẫn được tính là 2 đời tổng thống khác nhau, thứ 22 và 24. Đi kèm với lời tuyên thệ là bài diễn văn nhậm chức (Inauguration Address), và đây thường được xem là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của buổi lễ bởi nó, ở mức độ nào đó, chắc chắn sẽ phản ánh những quan điểm, đừờng lối, chính sách và định hướng kế hoạch, chiến lược hành động của tổng thống trong suốt nhiệm kỳ 4 năm điều hành. Bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất tính đến nay là bài của Tổng thống George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ ở nhiệm kỳ thứ 2, 1793-1797, chỉ gồm 135 từ. Trong khi đó, Tổng thống William H. Harrison vào ngày 4-3-1841 đã có bài diễn văn nhậm chức dài nhất của lịch sử nước Mỹ tính tới thời điểm hiện nay, gồm 8.445 từ (được diễn trình trong 105 phút). Tuy vậy, có 5 trường hợp không có bài diễn văn nhậm chức do những tổng thống này phải tiếp nối nhiệm kỳ bỏ dở của tổng thống đương nhiệm đột ngột qua đời [27]. Nhằm mục đích hướng tới việc tạo ra những âm hưởng sâu sắc, những tác động tích cực đến người nghe bằng những lập luận chặt chẽ, có tính thuyết phục cao, các bài diễn văn nhậm chức của một vị tổng thống nước Mỹ hiển nhiên phải được chuẩn bị công phu, kỹ lưởng về kết cấu nội dung và ngôn từ sử dụng, và cũng chính vì vậy chúng có thể được xem là tiêu biểu cho thể loại phong cách chính luận (trong tiếng Anh Mỹ - American English). Bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Abraham Lincoln (1861), John F. Kennedy (1961), Ronald Reagan (1981), v.v.. đã trở thành những bài phát biểu nổi tiếng, với những câu nói bất hủ, được trích dẫn và chuyển dịch qua nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đặc biệt là câu “And so, my fellow Americans: ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country” [7, 106] (Do vậy, hỡi đồng bào nước Mỹ: Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi xem ta có thể đóng góp được gì cho Tổ quốc) của John F. Kennedy. Nhằm góp phần hữu ích vào thực tiễn giảng dạy, học tập, nghiên cứu tiếng Anh nói chung, và nhất là rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản chính luận, kỹ năng viết bài thuyết trình và dịch thuật tiếng Anh, công trình nghiên cứu này sẽ (i) liệt kê, phân tích, tổng hợp các nội dung chính được thể hiện trong tất cả các bài diễn văn nhậm chức của 44 đời tổng thống trong lịch sử nước Mỹ; (ii) thống kê và thảo luận các đặc điểm ngôn ngữ về từ vựng, ngữ pháp và các biện pháp tu từ được sử dụng trong khối văn bản nói trên. Kết cấu của cuốn sách bao gồm:
- Chương 1: Khái quát lịch sử nước Mỹ và các lý thuyết liên quan đến nội dung đề tài.
- Chương 2: Các nội dung chính được thể hiện trong tất cả các bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ (từ Tổng thống đầu tiên George Washington, 1789 đến Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, 2009-2012).
- Chương 3: Các đặc điểm ngôn ngữ, các biện pháp tu từ được sử dụng trong khối ngữ liệu nói trên.
Phần phụ lục là các bài diễn văn được tuyển chọn cho việc thực hành đọc hiểu và dịch thuật.
Xin trân trọng giới thiệu đến sinh viên chuyên ngữ tiếng Anh và các bạn đọc khác quan tâm đến các vấn đề được trình bày trong cuốn sách này.