Suốt 2.000 năm kể từ khi được truyền vào nước ta, Phật giáo luôn “đồng hành cùng dân tộc” trong hành trình dựng nước, giữ nước và mở nước. Trong suốt một ngàn năm chống Bắc thuộc, Phật giáo đã trở thành điểm tựa tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân. Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ chống quân xâm lược phương Bắc.
Bước sang buổi đầu của thời đại Độc lập, Tự chủ, các bậc Tăng thống, Quốc sư đã cố vấn cho các vị vua về kế sách trị nước an dân, góp phần củng cố nền độc lập vừa giành lại được. Thời Lý - Trần được coi là giai đoạn thịnh trị trong lịch sử dân tộc cũng đồng thời là giai đoạn phát triển đỉnh cao của đạo Phật. Nhiều bậc minh quân, hoàng thân, quan lại cũng đồng thời là Tăng Ni, Phật tử đã đem tinh thần từ bi, hỷ xả của nhà Phật vào công cuộc xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi và chống giặc ngoại xâm. Thời Lê - Nguyễn, Nhà nước phong kiến chủ trương phát triển Nho giáo, song Phật giáo vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc. Trong hành trình mở cõi về phương Nam, nơi đâu có dấu chân lưu dân người Việt tới khai khẩn thì nơi đó văng vẳng tiếng chuông chùa.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, sự ủng hộ cùng những đóng góp to lớn cả về tinh thần và vật chất của chư Tăng Ni, Phật tử đã góp phần bện chặt mối dây đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt, với tinh thần “từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh”, nhiều Tăng Ni đã “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” cùng cả nước ra trận. Những năm chống Mỹ cứu nước, từ chốn cửa chùa đã khởi phát biết bao phong trào đấu tranh kiên cường, bất khuất chống lại các chế độ độc tài, góp phần lật đổ chính quyền Sài Gòn do Nhà Trắng dựng lên.
Như một sự nối dài bất tận của lịch sử, hôm nay, Phật giáo đang tiếp tục gắn bó vận mệnh của mình với vận mệnh dân tộc. Khắp nơi nơi, từ miền biên giới địa đầu Tổ quốc tới nơi hải đảo đầu sóng ngọn gió, ngày qua ngày, tiếng chuông chùa ngân vang trong gió sớm, hòa với tiếng sóng biển và tiếng gọi thôi thúc của lòng người hãy cùng nhau giữ vững từng thước đất mà cha ông muôn đời để lại.
Gốc rễ sự “đồng hành cùng dân tộc” xuyên suốt hai thiên niên kỷ của Phật giáo Việt Nam, không gì khác hơn là tinh thần nhập thế. Có thể khẳng định đây là một nét đặc sắc của Phật giáo nước ta. Nét đặc sắc ấy được trình bày trong cuốn sách Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945 - 1975) mà quí độc giả đang cầm trên tay.
Nét nổi bật của công trình là nguồn tài liệu phong phú từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tài liệu quý được lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ quốc gia, các tự viện, trong thư viện Đại học Harvard – Mỹ cùng với việc phỏng vấn nhân chứng; qua đó các tác giả đã trình bày, phân tích đầy đủ và rõ nét tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong suốt hơn 2.000 năm, đặc biệt là giai đoạn 1945 - 1975, với những biểu hiện, tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử cụ thể. Cuốn sách giúp chúng ta thấy được “cái biện chứng của lịch sử” trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, và thêm một lần nữa chứng minh sự gắn kết keo sơn giữa Phật giáo Việt Nam với dân tộc, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Cuốn sách sẽ là một tài liệu hữu ích đối với đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945 - 1975).
Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu cuốn sách Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam (1945 - 1975) tới bạn đọc gần xa.
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH