Loài người sống và sinh sôi giữa trời cao vời vợi, đất rộng muôn trùng, con người không ngừng dùng trí tuệ và trí tưởng tượng để lý giải thế giới, lý giải cuộc sống. Cùng lúc với quá trình tạo ra của cải vật chất, con người cũng sáng tạo ra những của cải tinh thần phong phú. Thần thoại và truyền thuyết chính là những của cải tinh thần quan trọng nhất mà loài người từ thời viễn cổ sáng tạo nên.
Thần thoại và truyền thuyết là các câu chuyện kể về thần linh và anh hùng (anh hùng trong chiến tranh và anh hùng văn hóa). Nội dung của chúng bao gồm nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của các vị thần và loài người, các vị thần làm thế nào để thống trị vũ trụ, tranh bá trong vũ trụ, mối quan hệ thần bí giữa thần linh và con người, cùng với công trạng của các anh hùng dân tộc thời cổ đại. Thần thoại và truyền thuyết lý giải thế giới bằng trí tưởng tượng phong phú, mô tả lịch sử loài người thời viễn cổ bằng con mắt siêu hiện thực. Theo góc nhìn của thần thoại và truyền thuyết, thần linh là căn nguyên của sinh mệnh và xã hội loài người, ý nghĩa tồn tại của con người bắt nguồn từ thần, vận mệnh của loài người được quyết định bởi thần; các anh hùng trong truyền thuyết đã sáng tạo nên lịch sử và văn hóa của nhân loại. Thần thoại và truyền thuyết là nơi hội tụ tín ngưỡng, đạo đức, triết học, khoa học và lịch sử của con người thời viễn cổ, chúng chính là kết tinh đời sống tinh thần, là đền thờ tinh thần linh thiêng của con người từ thời xa xưa.
Thần thoại và truyền thuyết rất phổ biến trong xã hội cổ đại, mỗi dân tộc đều có thần thoại và truyền thuyết của riêng mình. Tuy nhiên, đặc điểm của thần thoại, truyền thuyết mỗi dân tộc đều không giống nhau. Do sự khác biệt về môi trường sống, tiến trình lịch sử và phương thức sinh hoạt, kho tàng thần thoại, truyền thuyết mà mỗi dân tộc sáng tạo ra cũng mang đặc trưng riêng. Là một trong những nền văn minh phương Đông cổ đại, Trung Quốc thời viễn cổ có ba tộc người chính, đó là Hoa Hạ, Đông Di và Miêu Man. Trải qua mấy ngàn năm phát triển, đến nay đã trở thành một dân tộc Trung Hoa thống nhất. Thần thoại và truyền thuyết cổ đại Trung Quốc chủ yếu lấy thần thoại và truyền thuyết của dân tộc Hoa Hạ (tiền thân của dân tộc Hán) làm trung tâm, hấp thu một phần thần thoại, truyền thuyết của Đông Di, Miêu Man mà dần dần hình thành. Thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc hoàn toàn khác biệt so với thần thoại và truyền thuyết Hy Lạp.
Thứ nhất, tướng mạo của thần linh trong thần thoại, truyền thuyết Trung Quốc và Hy Lạp không giống nhau. Thần thoại Hy Lạp kể rằng: Prometheus phỏng theo hình dáng của các thần mà tạo nên loài người, do đó, tướng mạo của thần linh và loài người là hoàn toàn giống nhau. Những pho tượng thần Hy Lạp còn sót lại đến ngày nay đều mang hình dáng con người vô cùng hoàn mỹ. Nhìn bên ngoài, thần mặt trời Apollo là một chàng trai tuấn tú, và nữ thần tình yêu Aphrodite là một giai nhân tuyệt sắc. Còn trong thần thoại Trung Quốc, vị thần cũng có khả năng thấy trước tương lai như Apollo là Phục Hy lại “đầu người mình rắn”, vị thần cũng sáng tạo nên loài người như Prometheus là Nữ Oa cũng “đầu người mình rắn”.
Thứ hai, nguồn gốc thần linh trong thần thoại, truyền thuyết Trung Quốc và Hy Lạp không giống nhau. Chư thần Hy Lạp đều là con cái của các thần, loài người thông thường không thể trở thành thần linh. Chỉ riêng dũng sĩ Hercules sau khi chết trở thành thần là một ngoại lệ. Còn trong thần thoại Trung Quốc, thần linh và các đế vương của loài người thường đổi chỗ cho nhau. Trong tiếng Hán, chữ “Đế” (帝) ban đầu vốn để chỉ thần, sau này mới dùng để chỉ vua của loài người. Năm vị Thiên đế cai quản vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc là Phục Hy (phương Đông), Viêm Đế (phương Nam), Thiếu Hạo (phương Tây), Chuyên Húc (phương Bắc) và Hoàng Đế (ở chính giữa). Mà trong truyền thuyết lịch sử thượng cổ, nhân gian cũng có “Ngũ đế”, tức là năm vị vua thời viễn cổ gồm Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn. Trong đó, Hoàng Đế, Chuyên Húc vừa là hai trong số năm Thiên đế, vừa là hai trong Ngũ đế của loài người. Đồng thời, các nhân vật thần thoại như Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông (Viêm Đế) lại được xem như những vị vua của loài người từ trước đó, gọi là “Tam Hoàng”. Có thể thấy, trong thần thoại, truyền thuyết cổ đại Trung Quốc, ranh giới giữa thần và người không được phân định rõ rệt như trong thần thoại Hy Lạp. Trong lịch sử Trung Quốc không ngừng xuất hiện những anh hùng sau khi chết được tôn làm thần, nổi tiếng nhất là tướng quân Quan Vũ thời Tam Quốc. Sau khi chết ông đã trở thành “Phục Ma Đại Đế”, quân lính sùng bái ông làm Chiến Thần (Thần Chiến thắng), thương nhân lại tôn ông làm Tài Thần (thần Của cải). Những người nghiên cứu nguồn gốc vũ trụ phương Tây dưới ảnh hưởng của thần thoại Hy Lạp và "Kinh thánh", đã phân định rạch rồi ranh giới giữa thần và người, do đó rất khó lý giải việc người Trung Quốc tôn các anh hùng lên thành thần. Tuy nhiên, đây quả thực là một nét truyền thống văn hóa đã có từ rất xa xưa của người Trung Quốc.
Thứ ba, thần thoại, truyền thuyết Trung Quốc và Hy Lạp có sự khác biệt về hệ thống. Là một đại diện của thần thoại phương Tây, thần thoại Hy Lạp nổi tiếng với một hệ thống nghiêm ngặt, rạch ròi, thần Zeus ngự trên đỉnh núi Olympus soái lĩnh chư thần, thống trị vũ trụ. Còn Trung Quốc cổ đại đất đai rộng lớn, văn hóa của ba nhóm dân tộc lớn (Hoa Hạ, Đông Di, Miêu Man) không giống nhau, nên không hình thành một hệ thống thần linh thống nhất hoàn chỉnh với một vị chủ thần cố định. Trung Quốc cổ đại cũng không có các thi nhân sử thi như Homere, Hesiod để chỉnh lý lại những mẩu thần thoại, truyền thuyết không thống nhất. Các mẩu thần thoại và truyền thuyết chưa qua hệ thống, chỉnh lý, nằm rải rác trong nhiều loại thư tịch thời cổ đại. Vì vậy tình tiết truyện trong thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc thường tương đối rời rạc.
Do những sự khác biệt kể trên, độc giả vốn đã quen với thần thoại Hy Lạp sẽ gặp phải một số khó khăn khi tiếp cận và lí giải thần thoại, truyền thuyết Trung Quốc. Quyển sách này căn cứ vào trình tự kể chuyện thông thường của thần thoại và truyền thuyết, cố gắng sắp xếp các truyện có tình tiết liên quan lại với nhau, nhằm giúp người đọc có thể nắm bắt trên tổng thể. Còn các điểm khó trong thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc thì sẽ được giải thích dựa trên sự khác biệt giữa truyền thống văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Hy vọng quyển sách này có thể giúp bạn đọc cảm nhận chân thực hơn sức hấp dẫn nghệ thuật và càng hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của thần thoại và truyền thuyết Trung Quốc