Tập sách chia làm ba phần: Phần một là cơ sở lý luận và thực tiễn; phần hai là các thành tố củavăn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ và phần ba là hệ thống các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam bộ. Qua đó, ngoài lãnh vực vực địa lý, kinh tế... còn là các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục - tập quán, văn hóa giao tiếp và nghệ thuật ... giúp người đọc thấy được sự giao lưu, hòa nhập giữa văn hóa Việt - Khmer - Hoa - Chăm...
Theo nhóm biên soạn, "Đã đành rằng nếu chủ thể là người Việt thì dù ở vùng nào, văn hóa vẫn có cùng cái nền chung là văn hóa truyền thống người Việt. Song nếu chỉ thấy cái chung mà không thấy cái riêng thì không thể nhận ra bản sắc vùng miền và không thể có kế hoạch phát huy được. Ngược lại, nếu chỉ thấy cái riêng mà không thấy cái chung thì mất gốc, rơi vào căn bệnh địa phương chủ nghĩa. Mặt khác, tùy theo mức độ đặc thù của hệ tọa độ không gian - chủ thể - thời gian mà tính đặc thù của hệ đặc trưng tính cách văn hóa sẽ cao hoặc thấp. Tây Nam bộ là mảnh đất tận cùng vừa hào phóng vừa hoang dã của phần không gian lãnh thổ phía Nam, với chủ thể là những người Việt đã phải trải qua nhiều sóng gió của những quyết định lựa chọn, với thời gian hình thành là những giai đoạn trong lớp cuối cùng của tiến trình lịch sử văn hóa dân tộc - lớp văn hóa giao lưu với phương Tây".
Tất nhiên trong tập sách này không thể thiếu phần để cập đến con người. Qua đó, ta biết thêm nhiều thông tin thú vị như: "Với những phẩm chất rất cần thiết cho việc quản lý như tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, tính mở thoáng, vùng văn hóa Tây Nam bộ đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo có óc sáng tạo, tính dám nghĩ dám làm, bản lĩnh quyết đoán như Lê Văn Duyệt trong nửa đầu thế kỷ XIX; Trần Văn Giàu thời kỳ 1940-1945; Võ Văn kiệt thời kỳ đổi mới. Cùng với họ là hàng loạt nhà quản lý có tâm, có tầm, có tài khác như ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính) ở Long An, ông Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn) ở An Giang, hay ở một cấp độ khác như bà Ba Sương (Trần Ngọc Sương) ở Nông trường Sông Hậu, v.v...".