Văn hóa dân gian Nam Bộ tự bao đời nay như những mạch nguồn dồi dào trong dòng chảy không ngừng của văn hóa phương Nam, giàu sức sống và đầy sức hấp dẫn. Do tồn tại trong những điều kiện lịch sử - văn hóa cụ thể, nên nó mang tính thống nhật trong sự đa dạng và sáng tạo trên cơ sở mẫu số chung của văn hóa văn hóa, tạo nên những màu sắc đặc thù nơi vùng đất đã được khai phá và xây dựng trên 300 năm. Có thể thấy điều đó trong những tiểu vùng văn hóa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, với sự phân biệt không trộn lẫn.
Tín ngưỡng dân gian Nam Bộ giới thiệu 20 bài viết khá đa dạng về đời sống văn hóa tín ngưỡng ở Nam Bộ, từ tín ngưỡng của người Việt cho đến các tộc người Châu Ro, Khmer, Hoa; từ vùng bán sơn địa đến vùng bưng trũng, đồng bằng, miệt biển. Bạn đọc sẽ thấy thú vị với những khám phá trong tục thờ cọp ở Đồng Tháp Mười, những hiểu biết về tín ngưỡng thờ Ông Địa của người Việt Nam Bộ trong sự giao thoa với văn hóa người Hoa. Văn hóa tín ngưỡng Khmer thể hiện qua những bài viết đặc sắc về tục thờ Neak Tà, lễ hội Chol Chnam Thmay, lễ hội đua bò ở vùng Bảy Núi (An Giang). Sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa những luồng tín ngưỡng, tôn giáo Bắc – Nam, Ấn – Khmer còn có thể tìm thấy qua những bài viết về nghi thức trình đồng của tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ ở Dĩ An (Bình Dương), chùa Bà Ấn giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phra Phrom và Nang Kwak, lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ…
Tác phẩm Tín ngưỡng dân gian nằm trong Tủ sách Văn hóa dân gian Nam Bộ do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ xuất bản chủ yếu giới thiệu đến bạn đọc những nét văn hóa dân gian của các dân tộc sinh sống ở vùng đất phương Nam trên nhiều lĩnh vực từ công cụ sản xuất, ăn, mặc ở, phương tiện đi lại, nghề truyền thống cho đến ngôn ngữ giao tiếp, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, sinh hoạt văn nghệ dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian…