Cuốn sách này tập hợp một số bài báo và tham luận đã đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc các kỷ yếu hội thảo khoa học, được người viết thực hiện trong 10 năm gần đây. Điểm chung của các bài viết là đều hướng tới mục đích tìm hiểu, khảo sát một số hiện tượng văn học nhằm chứng minh mức độ tương thích, hiệu quả cũng như khả năng tới hạn của các lý thuyết nghiên cứu phê bình văn học phương Tây khi được vận dụng vào nghiên cứu văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa.
Sách được chia thành 3 phần:
- Phần 1: tập trung vào định hướng tiếp cận tư duy và hình tượng nghệ thuật trong văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa.
- Phần 2: tập trung vào định hướng tiếp cận thể loại và ngôn từ nghệ thuật trong văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa với các bài viết tìm hiểu về phép đối ngẫu và điển cố, những thủ pháp sử dụng ngôn từ đặc trưng của một nền văn học đậm chất cao nhã, quy phạm...
- Phần 3: tập trung vào định hướng tiếp cận đặc điểm của văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa ở lĩnh vực phê bình văn học, gồm các bài viết khảo sát vai trò, đặc điểm của các văn bản tựa, bạt, lời dẫn, đề từ,...
Những con đường, cách thức, phương tiện hay những góc độ tiếp cận khác nhau chẳng qua cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích hướng tâm, đó là tiếp tục khám phá, khẳng định giá trị của tinh hoa văn học dân tộc trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến giữa văn học Việt Nam với các nền văn học trong khu vực và trên thế giới.