Khởi đi từ những câu truyện dã sử, truyền thuyết, tiểu thuyết lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã khảo sát lại các nguồn tài liệu từ trong sử sách để làm sáng tỏ hoặc đưa ra những góc nhìn xác thực hơn về những câu chuyện được lưu truyền. Vó ngựa và cánh cung điểm lại lịch sử quá trình thuần hóa, cải tiến kỹ thuật sử dụng ngựa và cánh cung, vó ngựa và cánh cung trong cuộc bành trướng của đế chế Mông - Nguyên. Thanh binh nhập quan viết về các cuộc nổi loạn cuối triều Minh, sự thành lập nhà Thanh và thực hư về vai trò của các nhân vật: Lý Tự Thành, Ngô Tam Quế, Trần Viên Viên được phóng tác trong các tiểu thuyết hay dã sử. Từ một đoạn trong Lộc đỉnh ký của Kim Dung, Vụ án Minh sử dựng lại vụ “văn tự ngục” vào đầu đời Thanh. Những tiểu luận nghiên cứu về hoạt động của cung đình nhà Thanh như: Tặng phẩm ngoại giao của Thanh triều, Văn thư đời Thanh… Quan niệm về biển cả của Trung Hoa dưới hai triều Minh – Thanh phân tích rõ những chính sách về biển cả của Trung Hoa chỉ chú trọng đến việc “hải phòng” và “hải cấm”, chớ biển cả không phải là mục tiêu mà người Trung Hoa cần chinh phục. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng những giải thích về lãnh hải của nhà đương cục Trung Hoa hiện nay hoàn toàn thiếu cơ sở và sai lệch so với sử sách. Ngoài ra quyển sách còn có các tiểu luận về văn hóa như: cờ vây, ấm trà, sơn trà, cà phê, rèn kiếm… cùng những nghiên cứu về xã hội và con người Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đặc biệt là qua các họa phẩm của William Alexander.
"Khi người du mục ở Trung Á biết kết hợp sức mạnh và lợi điểm của cây cung liên hợp (composite bow) với sức di động (mobility) của giống ngựa vùng mạc bắc, họ mới tạo nên sức mạnh khủng khiếp để trở thành một đế quốc hùng mạnh vào thế kỷ XIII, XIV. Ðế quốc đó như một vết dầu loang, lan rộng sang khắp vùng Tây Á, tiêu diệt những quốc gia hết sức bạo tợn và dũng mãnh trong thế giới Hồi giáo và Thiên Chúa giáo rồi theo đà tràn xuống miền nam chiếm lĩnh cả một khu vực văn minh bậc nhất thế giới là nước Trung Hoa.
Một điều lạ là sức mạnh tưởng như vô địch đó lại bị chặn đứng bởi những quốc gia nhỏ bé vùng Ðông Nam Á, trong đó có Ðại Việt. Những quốc gia đó có chung một mẫu số là biết khai thác cái sở trường của mình, dựa lưng vào thành lũy thiên nhiên, dùng chiến tranh du kích để tiêu hao, lấy trường kỳ nhàn nhã để chống với nhọc mệt." - (Nguyễn Duy Chính, Vó ngựa và cánh cung)
Thông tin tác giả
Ông sinh năm 1948 tại Sơn Tây, đi Nam cùng gia đình năm 1954, cựu học sinh Chu Văn An Sài Gòn, cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, rời khỏi Việt Nam năm 1979, Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, hiện sống và làm việc tại California.
Cho tới nay, các thành viên của diễn đàn Việt Kiếm (vietkiem.com) vẫn không thể quên được cái tên Nguyễn Duy Chính, không chỉ như một dịch giả xuất sắc hầu hết các tác phẩm của đệ nhất tác gia kiếm hiệp Kim Dung, mà còn là tác giả của những bài viết hay về văn hóa Trung Hoa; và những thành tựu dịch thuật, nghiên cứu này đã bước vào… sách: Đọc Kim Dung – Tìm hiểu văn hóa Trung Quốc (NXB Trẻ, 2002), Lý thuyết quân sự Trung Hoa (dịch, NXB CAND, 2004).
Nhưng từ giai đoạn 2002-2003 tới nay, Nguyễn Duy Chính chuyển sang nghiên cứu Sử Việt, cụ thể hơn là Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn.
Nguyễn Duy Chính vào cuộc với cả một đời yêu sách, với trí tuệ và phương pháp nghiên cứu đúng đắn, với nhiệt tâm và cần cù. Ông kể, “cách đây gần 30 năm, khi vừa đặt chân lên đất Mỹ, kiếm được những đồng tiền đầu tiên, người viết đã đặt mua trả góp ngay một bộ Encyclopædia Britannica, thuở ấy với giá hơn 2.000 US$, bằng tiền mua một chiếc xe cũ còn tốt.”
Để nghiên cứu có kết quả, ông chuẩn bị tư liệu rất tốt, không kể những gì có thể khai thác từ Internet, ông tìm và mua bằng được những sách quí có liên quan từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ông tìm đến tư liệu của các đại học danh tiếng ở Mỹ, bạn bè ở Pháp; những tư liệu Hán Nôm trong nước, đặc biệt là từ Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Kết quả nghiên cứu của ông được công bố liên tục trên Internet và các tạp chí trong nước (Nghiên cứu & Phát triển của Sở KH&CN TT-Huế, Xưa & Nay…). Ông công bố, sửa chữa và lại công bố, nhiều lần. Có thể nói rằng, về căn bản, các cuốn sách đã xuất bản đều có thể tìm trên Internet. Phần rất mạnh của Nguyễn Duy Chính là ông đã tìm và sử dụng được nhiều tài liệu mới công bố từ nguồn nhà Thanh (Trung Quốc), làm thay đổi hẳn nhiều nhận định sử học từ trước tới nay.