“Dễ thương và ảo diệu” – Đó là cách Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói về nội tiết tố trong tập sách mới nhất vừa phát hành của mình: “Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết”. Và đó cũng chính là cách mà độc giả phải thốt lên khi đóng lại một tập sách đặc biệt: có thơ, có nhạc, có họa quyện lẫn để thủ thỉ kể câu chuyện về y học, về cuộc sống của mỗi người…
Dễ thương…
Đọc sách của bác Hùng – như cách nhiều người quen vẫn gọi ông – luôn có cảm giác được ông ngồi cạnh bên, thủ thỉ chuyện trò, khuyên bảo, răn đe bằng chất giọng Nam bộ rất dịu dàng của mình. Những chuyện y học, lại là nội tiết tố là thứ mà ít người ngoại đạo nào có thể nhìn thấy, nắm bắt cho kỹ càng, qua bác Hùng, bỗng trở nên dễ thương lạ kỳ: Hệ nội tiết lo liệu bao nhiêu là việc, để cơ thể chúng ta hoạt động trơn tru…
Cứ như vậy, những khái niệm y học phức tạp được bác Hùng chuyển thành các hình ảnh dễ nhớ vô cùng, đi vào trí óc người đọc một cách… êm ru: cái trái thông, cái nón bê-rê, con bướm vỗ cánh… Đi cùng với những hình ảnh này là chuyện trên trời dưới biển của một nghệ sĩ đi nhiều, quan sát nhiều, đọc nhiều và chiêm nghiệm nhiều: chuyện đá banh, chuyện đua xe đạp, chuyện ở bảo tàng tượng sáp hay thời sự hơn là chuyện… bơm ngực… Qua giọng văn nhẹ nhàng, chuyện sức khỏe, chuyện đời về, những người của công chúng như Tổng thống Mỹ J.F. Kenedy, ngôi sao Liz Taylor, tay đau xe đạp Amstrong trở thành những ví dụ thật sâu sắc, điển hình.
…Và ảo diệu
Nhiều người thích đọc những bài viết của bác Hùng, chắc có nhiều lý do. Nhưng chắc lý do được ưa chuộng nhất là vì lòng tin và sự nể trọng người thầy thuốc đặc biệt này. Nhiều người viết về y học cũng theo đuổi phong cách sáng tạo, gần gũi, nhiều liên tưởng, nhưng hiếm có bác sĩ nào tạo được sự “ảo diệu” trong câu chữ của mình. “Ảo diệu” đầu tiên, chính là sự thu hút đặc biệt. Phải hút thì mới chịu đọc tiếp chứ. Từ đó mà nó ra cái “ảo diệu” tập hai, là sự hiểu biết. Kiến thức thì vô bờ bến, nhưng bác Hùng chọn lựa kỹ, sàng lọc xong xuôi, đóng gói lại, thắt cái nơ và khuyến mãi thêm một cốc nước mát lành để dành tặng ai muốn tìm hiểu về cơ thể mình. Đọc xong, hiểu biết chút đỉnh rồi (vì đằng nào cũng phải cất vô tủ, từ từ rảnh thì coi lại mấy lần nữa mới thông được), thì phát hiện ra cái “ảo diệu” thứ ba: mình tự thay đổi nếp sống, tự thấy cần biết ăn, biết ngủ, biết cười… theo cách mà bác Hùng dạy từ lúc nào…
Nói lòng vòng, để thấy cái “ảo diệu” của cuốn sách của bác Hùng, chính là nằm ở chỗ tấm lòng người thầy thuốc. Vắt óc, vắt lòng ra để ráng nói sao cho mình hiểu, ráng nói sao cho mình sửa đi tùm lum thói hư tật xấu của mình và ráng nói làm sao để mình được sống tốt hơn…
TRẦN NGUYÊN