Biển và đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người dân đất Việt luôn có trong lòng một tình yêu tha thiết đối với biển, đảo quê hương; nhất là người dân của 26 tỉnh, thành phố ven biển (chiếm 42% diện tích cả nước) đều tự hào có thành phố bên bờ Biển Đông.
Biển Việt Nam chiếm phần quan trọng trong Biển Đông, nối liền tuyến giao thông ra Thái Bình Dương, xuống Ấn Độ Dương, lên Á, sang Âu, đâu đâu cũng thuận tiện. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là xương sống tạo thành hệ thống đảo gần, đảo xa trải dọc biển Việt Nam từ đầu Vịnh Bắc Bộ đến giáp Vịnh Thái Lan. Trong lòng biển đảo ôm chứa nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng gồm cả khoáng sản, dầu và khí, tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật, tài nguyên trong khối nước… Và hơn thế, biển đảo Việt Nam còn “vùi sâu dưới đáy những gì đau thương” của thăng trầm lịch sử hàng ngàn năm.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã góp phần mở rộng không gian biển-đảo cả về diện tích và tiềm năng, tài nguyên và giá trị; đồng thời tạo nên “danh chính ngôn thuận” cho những hiểu biết cơ bản, đầy đủ về chủ quyền biển-đảo quốc gia. Năm 2012 là tròn 30 năm biển và đảo Việt Nam có đời sống hiến pháp quốc tế, làm cho đời sống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của biển, đảo Việt Nam thêm phong phú, trường tồn.
Hiện đã có nhiều sách, báo, tạp chí nghiên cứu và công bố, đưa tin về biển, đảo Việt Nam. Các tác giả ở mọi miền đất nước dưới nhiều góc độ khác nhau đã tiếp cận vấn đề và cung cấp nhiều thông tin quý về biển, đảo. Song không phải vì thế mà không cần thêm những hiểu biết về phần lãnh thổ rộng lớn ở ngoài đất liền của Việt Nam đã được đầy đủ, phong phú, toàn diện; nhất là khi những vấn đề biển, đảo trên biển Đông đang thu hút sự quan tâm của hàng trăm triệu người trong khu vực, hàng tỷ người trên thế giới, người Việt Nam trong và ngoài nước cũng đang dành cả tình cảm và trách nhiệm cho biển và đảo quê hương Tổ quốc mến yêu.
Nhân dịp mừng năm mới Nhâm Thìn, mừng kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, Nhóm Khảo sử Nam bộ kết hợp với Trung tâm nghiên cứu biển và đảo trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, biên soạn cuốn “Biển và đảo Việt Nam, mấy lời hỏi-đáp” nhằm cung cấp cho đông đảo bạn đọc những hiểu biết thông thường về biển và đảo Việt Nam trên các lĩnh vực chủ yếu: không gian biển-đảo, đời sống biển-đảo, thăng trầm biển-đảo, biển-đảo trong phát triển và hội nhập, hướng về biển-đảo. Đó là những lĩnh vực cần được nhận thức một cách chính xác, đồng bộ và thống nhất; tuy chưa phải là đã đầy đủ và logic, nhưng sự sắp xếp các lĩnh vực như thế sẽ toát lên được tính lịch sử và sinh động của các vấn đề biển-đảo vốn rất phong phú, đa dạng.
Tài liệu để biên soạn dựa trên cơ sở tập hợp nhiều nguồn trong và ngoài nước với sự cập nhật thông tin mới, vừa đảm bảo tính khoa học vừa mang tính thời sự. Tuy nhiên, xuất phát từ mục đích phổ cập thông tin đến quảng đại bạn đọc, nên sách chỉ dừng lại ở mức độ phổ thông nhất, hạn chế tính hàn lâm của thông tin tư liệu. Hy vọng qua những lời hỏi và đáp ngắn gọn và dễ hiểu sẽ giúp ích cho việc nâng cao hiểu biết, góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc và thêm tin yêu Tổ quốc Việt Nam…
Tập thể tác giả