100 năm trước, trên dải đất Trung kỳ đã diễn ra một sự kiện bi hùng có tiếng vang to lớn, để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc. Đã có nhiều cách gọi khác nhau về sự kiện này trong các tác phẩm sử học, như: “Cuộc vận động khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội năm 1916”, “Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân năm 1916”, “Cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân tháng 5/1916”, “Cuộc mưu khởi Duy Tân ở Trung kỳ”, “Cuộc bạo động kinh thành năm 1916” v.v…
100 năm sau, với lòng ngưỡng mộ và trân trọng một trong những trang sử đáng tự hào ở những thập niên đầu của thế kỷ XX, chúng tôi muốn phục dựng những nội dung cơ bản của chuỗi sự kiện để lại nhiều dấu ấn hào hùng ấy với tên gọi Cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916.
Định danh như vậy vì mặc dù đã có chủ trương,kế hoạch khởi nghĩa và đã có quá trình chuẩn bị về mọi mặt trong suốt hai năm - tính từ cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung kỳ tại Đà Nẵng (tháng 3/1914) cho đến khi bị thực dân Pháp đàn áp (tháng 5/1916), nhưng trong thực tế chủ trương và kế hoạch hành động này chưa kịp tiến hành, chưa biến thành một cuộc khởi nghĩa thực sự (trừ cuộc nổi dậy duy nhất ở phủ Tam Kỳ đêm 3/5/1916). Từ nhận thức đó, chúng tôi cho rằng gọi sự kiện tháng 5/1916 cùng những hoạt động diễn ra ròng rã hơn hai năm trước đó tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình và kinh đô Huế là cuộc vận động khởi nghĩa có lẽ sẽ chuẩn xác và phù hợp hơn gọi là cuộc khởi nghĩa, cuộc mưu khởi hay cuộc bạo động.
Để hệ thống được những vấn đề cốt yếu của chuỗi sự kiện lịch sử này, cuốn sách sẽ tập trung làm rõ các nội dung:
- Bối cảnh lịch sử của phong trào dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn so sánh với phong trào dân tộc dân chủ ở châu Á và trên thế giới;
- Những thành tố cơ bản của cuộc vận động khởi nghĩa: thời cơ và mục tiêu khởi nghĩa, thành phần lãnh đạo và lực lượng tham gia, tính chất và kết cuộc khởi nghĩa;
- Giá trị, ý nghĩa và dấu ấn của cuộc vận động khởi nghĩa trên miền đất Trung kỳ sau 100 năm;
- Tiếp nối truyền thống hào hùng trên quê hương khởi nghĩa.
Không có tham vọng làm chuyên khảo bởi chưa đủ điều kiện tiếp cận và khai thác nguồn tài liệu gốc, cuốn sách này chỉ mong góp thêm một nhịp cầu đưa bạn đọc đến với tri thức lịch sử phổ thông, nhằm khơi dậy lòng yêu thích và sự quan tâm của mọi người đối với lịch sử dân tộc, nhất là khi việc dạy và học sử trong nhà trường cũng như sự quan tâm của giới trẻ đối với lịch sử dân tộc gần đây liên tục có những tiếng chuông báo động.
Hy vọng rằng qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ hiểu thêm và trân trọng hơn những ưu tư trăn trở và hoài bão của các bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước, mặc dù sự nghiệp của thế hệ tiến hành cuộc vận động khởi nghĩa 1916 - nói như nhà ái quốc Phan Bội Châu - rốt cuộc chỉ là “trăm thất bại, mà không một thành công”. Đó chính là thực tế lịch sử, đan xen thắng lợi với bất thành, vinh quang với cay đắng, nụ cười với nước mắt… Nhận thức rõ điều này, chúng ta sẽ càng thêm tin yêu đất nước mình, đồng bào mình, sẽ càng nỗ lực để sống cho xứng đáng với những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc được vun bồi qua hàng ngàn năm lịch sử.
Mong ước lớn nhất của những người làm sách là như vậy. Trên tinh thần đó, rất mong bạn đọc sẽ đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của cuốn sách này, để chúng tôi có thêm động lực thực hiện những cuốn sách tiếp theo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc.
CÁC TÁC GIẢ