Quốc sử quán triều Nguyễn có chín bộ Đại Nam Thực lục (bộ Tiền biên và tám bộ Chính biên). Trong đó, bảy bộ đã được Viện Sử học phiên dịch và công bố lần đầu từ năm 1962 đến 1978. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho biết sau bộ Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên viết về lịch sử Việt Nam dưới hai đời Thành Thái, Duy Tân (1889-1916) này, ông sẽ cố gắng để có thể cho ra mắt bộ Chính biên Đệ thất kỷ dưới đời Khải Định(1916-1925) trong năm tới. Công trình này góp phần chấm dứt nửa thế kỷ phiên dịch Đại Nam Thực lục của giới sử học Việt Nam.
Nguyên bản Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên viết bằng chữ Hán, hoàn thành muộn nhất khoảng 1941-1942, chưa từng được triều Nguyễn cho khắc in, càng chưa được dịch ra chữ Quốc ngữ nên đông đảo người đọc còn chưa biết tới. Tài liệu được dùng để phiên dịch và giới thiệu là văn bản chép tay duy nhất hiện được biết tới của bộ sử này do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhờ chụp lại ở Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp gửi về từ Paris. Về nội dung, bộ sử này chủ yếu ghi nhận các hiện tượng, lãnh vực và quá trình xã hội trên địa bàn Trung Bắc trong 28 năm từ 1889 đến 1916. Trong đó, nổi bật là sự giải thể quyền lực chính trị và hành chính của triều đình nhà Nguyễn bên cạnh các hoạt động của chính quyền thực dân nhằm áp đặt thiết chế thuộc địa để nô dịch và bóc lột nhân dân Việt Nam.