Vào những ngày hè oi bức nhất của tháng Tư Sài Gòn, Đại tướng Mai Chí Thọ, ở tuổi 83, đang bắt đầu tập 3 hồi ký mà ông để một khoảng cách với tập 2 khá lâu rồi. Tập 3 là cuốn sách viết về quãng đời từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Ông nói muốn dành cho cuốn 3 này nhiều tâm sự hơn Thành phố Hồ Chí Minh (1973 đến cuối năm 1975) rồi Chủ tịch Thành phố, Giám đốc Công an Thành phố (1976 - 1984) và trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1986 - 1991).Sau đó là quãng đời của một cán bộ lão thành nghỉ hưu, nhưng từ đó có vẻ như lại bắt đầu một cuộc sống mới(1).
Một cuộc đời gần thế kỷ, trong đó nhiều năm theo cách mạng hoạt động, từ phong trào học sinh, cậu bé 14 tuổi, bắt đầu ở trường Quốc học Huế. Nhiều năm ở tù, và nhiều năm xa quê hương. Có vẻ như không một trí nhớ mạnh mẽ nào có thể hồi ức dễ dàng bao chuyện đời đi qua với một cuộc sống như thế.
Nhưng chẳng sao. Bởi cuốn sách sẽ phải diễn đạt nhiều quan niệm, suy nghĩ về thời cuộc, các đường lối, chính sách, những công việc quan trọng. Hai cuốn hồi ký ông tự viết đã ra mắt bạn đọc chủ yếu kể nhiều chuyện đời ông trong suốt hai cuộc kháng chiến. Đó là hồi ức chiến tranh chưa thể nói hết. Nhưng cuốn 3 sẽ là chuyện đời ông trong hòa bình và trải qua các chức vụ quan trọng. Làm Bí thư Thành ủy, ông muốn trò chuyện với nhân dân mình, như một người thân thiết chứ không phải đời ông là cuốn biên niên sử. Không phải là cuốn sử chính thống như các em học sinh học sách giáo khoa. Lịch sử còn chính là bao câu chuyện đời của mỗi con người. Người ta bảo đang có một xu hướng thích đọc hồi ký. Mà có lẽ không phải bây giờ. Bao giờ hồi ký cũng được ưa thích. Bao nhiêu pho sách sử viết về chủ nghĩa phát xít rất có giá trị, nhưng cuốn nhật ký của cô bé Anna Frank gây chấn động tim người. Những câu chuyện riêng tư của mỗi con người cũng có thể là chuyện lịch sử hấp dẫn, có lẽ vì nó là cuộc đời gần gũi. Nguồn sử liệu riêng tư, cá nhân, nhưng nó trực tiếp, và sự chủ quan của nó cũng có cái hay ở chỗ mỗi người có thể qua đó “kiểm tra” cái nhìn của chính mình. Hồi ký nằm trong thể loại phi hư cấu (Non-fiction) vốn rất được coi trọng ở phương Tây.
Cuộc đời của Đại tướng Mai Chí Thọ đi qua mọi giai đoạn ghi dấu rõ nét nhất con đường của dân tộc ông đã đi. Người đọc Việt Nam thích đọc hồi ký của các nhân vật tiêu biểu có lẽ vì họ tìm thấy tâm hồn và năng lực tinh thần của người Việt khi phải lao động quá sức - nghĩa là phải chiến đấu, đương đầu với chiến tranh. Đây là những trang tư liệu quý và chân thật cho độc giả muốn hiểu lịch sử kháng chiến và cuộc đời của Đại tướng Mai Chí Thọ, một trong những nhân vật có cống hiến lớn cho dân tộc. Cuốn hồi ký của ông, tất nhiên không nhắm vào việc xác minh lịch sử, mà lưu giữ ký ức con người về lịch sử. Có thể ông cũng chẳng truy tìm triết học qua câu chuyện đời, theo cách viết phương Tây thường đưa ra khái niệm sau các sự kiện và hình tượng. Đã có lần ông nhận xét: Văn Việt bây giờ từ ý tưởng đến cấu trúc câu đã “Tây hóa” đi rất nhiều. Ông muốn sự giản dị. Giản dị như ông đang trò chuyện với mọi người với ngôn từ phóng khoáng của ông. Theo một số nhà nghiên cứu văn học thì lời kể chuyện của ông có thể hiểu “chủ yếu nằm trên các sự cắt đứt mạch tư tưởng bằng những cận cảnh, thoáng qua trong đầu”. Điều này thường xảy ra trong trí óc con người, như Nguyễn Tuân thường nói “đang nghĩ chuyện này, nhảy sang chuyện khác”. Và nhà nghiên cứu nói: “Chính sự nhằng nhịt ấy mới là tư tưởng trong trạng thái tinh chất”.
“Sự nhằng nhịt” của một cuộc đời nhiều sự kiện, một cuộc đời hòa chung vào các sự kiện, rất hữu ích cho những ai tìm hiểu lịch sử của dân tộc mình.
---------------------------------------
1.Cuốn 3 này ông lại không kịp viết.
Tác giả
Nguyễn Thị Ngọc Hải