Tiếp theo cuốn sách Hồi ký căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trên địa bàn TPHCM (1945 - 1975), Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo tiếp tục tổ chức biên soạn tập 2 cuốn sách Hồi ký nhằm ghi lại những ký ức thiêng liêng về cuộc sống, chiến đấu, học tập, rèn luyện, những tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các căn cứ nằm ngoài địa bàn TPHCM…
Sau gần 1 năm thực hiện, cuốn Hồi ký tập 2 đã hoàn thành và ra mắt ngay trong dịp TPHCM kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn Hồi ký căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1945 - 1975) tập 2 bao gồm 85 bài viết của các tác giả cũng đồng thời là những người từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp viết ra. Đây được xem là thiên hồi ký tái hiện những căn cứ địa và hậu phương cách mạng vững mạnh trong kháng chiến bao gồm các lõm chính trị trong nội thành, các căn cứ ven đô, hậu phương trực tiếp trên những hướng chiến lược trọng yếu và cả căn cứ trên địa bàn các tỉnh. Địa thế, lòng dân và chiến thuật bố trí phòng thủ hợp lý đã làm cho các căn cứ trở thành “mái nhà an toàn” cho các lực lượng kháng chiến. Những bài viết trong cuốn sách phản ánh thêm một phần nhỏ về những năm tháng sống, công tác, chiến đấu ở các căn cứ kháng chiến đóng trên địa bàn các tỉnh bạn; về tình yêu thương bao la, sự đùm bọc, chở che của đồng bào, đồng chí, đồng đội các địa phương.
Trải qua hai cuộc kháng chiến, căn cứ Khu ủy (Thành ủy) luôn là mục tiêu triệt phá, là nỗi nhức nhối của kẻ thù. Nhiều lần phải di chuyển căn cứ do địch đánh phá ác liệt nhưng từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ và cả trên đất Campuchia, bất kỳ nơi đâu, Khu ủy cũng đều nhận được sự đùm bọc, chở che của nhân dân địa phương. Cuộc sống, chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong vùng căn cứ cực kỳ anh dũng, oanh liệt với sự hi sinh to lớn nhưng vẫn đầy ắp tình yêu thương của đồng bào, đồng chí, đồng đội.
Trong bài viết của mình, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Mai Chí Thọ ghi lại những tình cảm, sự sẻ chia, đùm bọc đầy ắp ân tình này: “Thời gian này, chúng tôi đi đến đâu, bà con cũng như anh em du kích địa phương đều hết lòng chia lửa với chúng tôi, có gia đình hi sinh gần hết vì bom đạn của Mỹ - ngụy. Mặc dù phải chịu đau đựng nhiều tổn thất nhưng họ vẫn rất tín nhiệm và thương yêu chúng tôi. Rất nhiều thanh niên địa phương bày tỏ mong muốn được gia nhập đơn vị Khu ủy để chiến đấu và công tác, số lượng này vượt quá yêu cầu nên chúng tôi không thể nào thu nạp hết được. Khi chúng tôi dời về Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh nhập lại) chưa kịp đưa Đội bảo vệ về căn cứ mới thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - anh Năm Trung, đã dành cho chúng tôi những địa điểm tốt nhất và chia cho một nửa lực lượng bảo vệ của Tỉnh ủy. Các Tỉnh ủy Bến Tre, Mỹ Tho đều có hành động tương tự khi căn cứ của các đồng chí ngày càng bị thu hẹp lại…”.
Có thể nói, các căn cứ kháng chiến của Khu ủy (Thành ủy) đã tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân; là chỗ dựa về mặt chính trị, nơi hướng về, hi vọng và khích lệ đồng bào khắp nơi kháng chiến.
Ban cố vấn biên soạn cuốn sách là đồng chí Phan Văn Khải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ), đồng chí Trần Hữu Phước (nguyên Phó trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo Xây dựng Khu Di tích lịch sử Cách mạng miền Nam). Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo biên soạn với Trưởng ban là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng.
Hồng Hiệp