HÔM NAY VỚI NHO GIÁO
“Nho giáo được truyền vào nước ta bởi phong kiến nhà Hán xâm lược hồi những năm cuối thế kỷ I trước Công nguyên. Suốt hơn mười thế kỷ lệ thuộc phong kiến phương Bắc, Nho giáo và Nho học đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lãnh vực đời sống con người Việt Nam, trong đó có tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật… Nhưng khi cha ông ta đã giành lại độc lập tự chủ, nghĩa là phong kiến Trung Quốc xâm lược bị nhân dân ta đánh đuổi phải rút chạy về nước, thì Nho giáo và Nho học vẫn còn tồn tại và vẫn tiếp tục truyền bá trên quê hương đất nước chúng ta…
Và cho dù hôm nay, Nho giáo và chế độ giáo dục Nho học không còn tồn tại ở nước ta cũng như ở các nước thuộc khu vực văn hóa chữ Hán trước đây, nhưng những tư tưởng của Nho giáo vẫn lan tỏa ảnh hưởng, vẫn tiềm tàng một sức sống trong tâm lý, trong lối ứng xử của mỗi cá nhân, trong cộng đồng dân cư từ làng xã đến khu phố thị thành…
Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi Singapore sở dĩ trở thành những con rồng châu Á vươn cao là nhờ biết tiếp thu rồi vận dụng và phát huy những yếu tố nhập thế tích cực của Nho giáo để phát triển đất nước. Tại xứ sở sản sinh ra Nho giáo cũng vậy, vài chục năm trở lại đây, nhà cầm quyền đã thức tỉnh và đã phát huy thế mạnh này để đưa đất nước trở thành một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế thì, ai bảo Nho giáo là trì trệ, là cổ hủ, là cản trở bước phát triển xã hội? (trích Lời cuối sách – PGS.TS. Nguyễn Công Lý)