Có thể nói, thế kỷ XVIII là thế kỷ đầy biến động nhứt trong lịch sử Việt Nam. Trên cơ sở cuộc nội chiến kéo dài 45 năm (1627 – 1672) giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, một thế lực chính trị mới ra đời ở phía nam, thường được các thương thuyền phương Tây gọi là Đàng Trong (của chúa Nguyễn), đối nghịch với Đàng Ngoài của chúa Trịnh.
Nhìn lại lịch sử, để nhận thức đúng như nó đã diễn ra là một việc làm cần thiết và cấp bách trong công cuộc đổi mới hiện nay. Nguyên nhân để mất Gia Định (Nam Bộ) vào tay Nguyễn Ánh là một vấn đề mấu chốt của nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh trong giai đoạn diễn ra trên đất Nam Bộ, là vấn đề ít được nhắc đến; nếu có thì cũng đề cập chung chung, chưa đi vào thực chất của vấn đề. Với tinh thần muốn tìm hiểu, học hỏi, tác giả đã mạnh dạn tiếp cận vấn đề trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội, tìm hiểu đất nước – con người trong diễn trình hình thành cấu trúc xã hội Gia Định vào cuối thế kỷ XVIII.