100 năm trước, từ thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc với tâm nguyện tìm kiếm con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 5-6-1911, Sài Gòn ghi dấu một sự kiện có ý nghĩa như một trong những cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam thời ký cận – hiện đại.
100 năm sau nhìn lại, càng thấy rõ hơn tấm vóc của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – miền đất “đi trước về sau” trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược, lại là miền đất vươn lên “đi trước và về đích trước” trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kể từ thời khắc lịch sử 5-6-1911 cho đến hôm nay, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua những chặng đường sôi động: đấu tranh yêu nước và cách mạng để giành quyền dân tộc và dân chủ; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành song song hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh công cuộc đổi mới…
Qua những giai đoạn bi hùng, gian khổ mà vinh quang và oanh liệt đó, Sài Gòn đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và đáng tự hào trong những trang sử vàng của toàn dân tộc: nơi thành lập tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam (1920); nơi diễn ra cuộc đấu tranh đầu tiên đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam chuyển từ tự phát sang tự giác (1925); nơi Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đặt trụ sở và đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước suốt 10 năm liền (1930 – 1939); nơi có các hoạt động đấu tranh công khai sôi nổi và mạnh mẽ nhất trong cao trào vận động dân chủ (1936 – 1939); nơi khởi nghĩa giành chính quyền mang ý nghĩa quyết định ở Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám 1945; nơi mở đầu Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945); nơi làm nên Ngày Sinh viên Học sinh (9-1-1950) và Ngày Toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950); nơi khởi đầu Phong trào bảo vệ hòa bình sau Hiệp định Genève (1954-1955); nơi đưa chiến tranh vào tận sào huyệt địch trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968; nơi kết thúc vẻ vang 21 năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); nơi kiên trì và trăn trở tìm tòi, thử nghiệm để góp phần quan trọng kiến tạo đường lối đổi mới của Đảng (1975-1986); nơi sáng tạo nhiều phong trào mới, mô hình mới, cách làm mới trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; nơi đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (từ 1987 đến nay) v.v..
Có thể khẳng định rằng, xuyên suốt các chặng đường lịch sử 100 năm, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh luôn thể hiện vai trò của một địa phương hết lòng “vì cả nước, cùng cả nước”.
Cuốn sách “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, hành trình 100 năm (1911 – 2011)” là một khảo cứu gồm 4 phần với 10 mục nhỏ, sử dụng và kế thừa nguồn tư liệu chính thống, những kết quả nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước có chọn lọc và đối chiếu, kể cả trong phần chính và phụ lục.
Cuốn sách không có tham vọng phản ánh đầy đủ những sự kiện tiêu biểu của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong 100 năm qua, bởi hiện thực rất phong phú hàng thế kỷ của một thành phố hết sức năng động, tiên phong, sáng tạo sẽ khó lòng đúc kết được chỉ trong vài trăm trang sách. Chúng tôi chỉ mong rằng, cuốn sách được phát hành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước sẽ góp thêm một góc nhìn tương đối có hệ thống về những nét son từ truyền thống đến hiện đại của thành phố Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Anh Hùng.
Mong ước thì nhiều, nhưng năng lực và thời gian thì có hạn, do vậy dù chúng tôi đã rất cố gắng, cuốn sách này vẫn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Những lời chỉ giáo và góp ý của các nhà nghiên cứu, của bạn đọc, của những người yêu mến Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nguồn động viên và hỗ trợ quý báu để tập thể tác giả và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh khắc phục nhược điểm của mình, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn những cuốn sách mới về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố thân yêu của tất cả chúng ta!